Nước lớn, cá về nhiều
5 giờ sáng ngày cuối tuần. Đang say giấc thì chuông điện thoại của tôi reo dồn dập. Thì ra đó là cuộc gọi của anh bạn, vốn là một “cần thủ” chuyên nghiệp chuyên săn tìm “ngựa nước” trên sông Đà. Cuộc gọi chóng vánh, dứt khoát, như mệnh lệnh trên thao trường quân ngũ: Dậy! nước lớn, cá về nhiều. Chưa kịp phản ứng thì bên kia máy đã tắt.
Uể oải xuống giường, vệ sinh cá nhân. Khoảng 30 phút sau tôi có mặt nơi bờ sông lộng gió. Nước cuồn cuộn chảy. Bụi nước theo gió táp vào mặt làm cho cơn buồn ngủ dần biến mất. Ở phía dưới bờ sông, những bóng người lố nhố lúc ẩn, lúc hiện như loang vào sóng. Dò dẫm, rồi tôi cũng xuống được chỗ anh bạn đang làu bàu trách cứ sự lề mề chậm chạp của tôi khi chỉ về phía một người đàn ông đen như cột khói vì cháy nắng bảo: không ra sớm mà xem, người ta vừa lên được con trắm gần 7kg. Tiếc hùi hụi vì không được chứng kiến cái cảnh giằng giật giữa người và “mã Đà”! Đành vậy, ngồi chờ may rủi.
Khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ, nước sông dâng cao thì cá về khu vực hạ lưu càng nhiều.
Theo kinh nghiệm của những người đã gắn bó với sông Đà bao năm, nước càng lớn, chảy càng xiết thì cá càng về nhiều. Điều này được lý giải bởi dòng chảy mạnh mẽ đưa theo nguồn thức ăn phong phú từ lòng hồ về, đồng thời kích thích các loài cá di chuyển. Không chỉ có những loại cá đặc hữu của sông Đà như cá lăng, cá ngạnh, cá bò, cá quất, mà còn vô số các loại cá khác đổ về như cá trắm đen (hay còn gọi là trắm ốc), cá chép, cá mè, cá măng, cá vền, cá mương... Cá ở sông Đà thì đủ loại, đủ kích cỡ, trọng lượng. Chính điều này đã mê hoặc những gã đàn ông quanh vùng. Đến nỗi, nhiều gã còn thường xuyên “trốn nhà, trốn vợ” ra sông ngồi ôm cần suốt đêm.
Tranh thủ thời điểm Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ, nhiều cần thủ chuyên nghiệp đã chuẩn bị các dụng cụ đặc biệt để đi săn “mã Đà”.
Việc đi săn cá trong những ngày Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả lũ đối với những cần thủ chuyên nghiệp không quá cầu kỳ về dụng cụ. Chỉ cần một bộ cần câu chuyên dụng với lưỡi câu được “thửa” riêng là đủ. Cần câu phải là loại cứng cáp, đủ sức chịu những cú giật mạnh và sự vùng vẫy của cá lớn. Dây câu phải là loại thật chắc chắn, có thể kéo, giật, dòng, giữ những con cá có trọng lượng lớn, khỏe như một “con ngựa” vùng vẫy trên dòng sông. Điểm đặc biệt nhất trong bộ đồ nghề của những thợ săn “mã Đà” chính là loại lưỡi câu “ba tiêu” tự chế. Lưỡi câu này được làm bằng chì và ba lưỡi thép cường lực làm tạo thành các móc câu sắc nhọn, chắc chắn.
Cách “săn” cũng khá đơn giản. Người câu đứng trên những mỏm đá nhô ra bờ sông, dưới chân là sóng nước chảy cuồn cuộn. Bằng động tác dứt khoát, họ quăng lưỡi câu ra xa rồi giật liên tục. Công việc này đòi hỏi người câu không chỉ có sức khỏe mà còn phải có sức bền, vì phải giật cần liên tục không nghỉ. Khi giật cần, lưỡi “ba tiêu” sẽ lướt dưới những con sóng. Gặp cá, những lưỡi câu sắc lẹm sẽ mắc vào thân, đuôi, bụng hoặc đầu cá chứ không phải vào miệng như câu mồi thông thường. Khi “dính” cá, dù là cá to hay cá nhỏ, người câu cũng phải rất vất vả mới có thể đưa lên bờ. Cá sông Đà sống trong môi trường nước chảy xiết quanh năm nên chúng vô cùng khỏe. Khi mắc câu lại càng vùng vẫy, giằng co mạnh mẽ hơn gấp bội, tạo nên những màn đối đầu kịch tính giữa người và cá.
Khi vận may mỉm cười
Giữa cơn ngái ngủ đang trở lại, tôi bỗng giật mình khi thấy tiếng ai đó nói lớn. “Hiếu dính cá rồi, cá to đấy”. Nhìn về phía người đàn ông tên Hiếu, trời cũng đã sáng rõ. Phía đó là một người đàn ông trung niên với khuôn mặt và 2 cánh tay trần cháy nắng vì những ngày lăn lộn săn “mã Đà” bên bờ sông. Sáng nay, may mắn đã mỉm cười với Hiếu. Khi cả ba “đường câu” đầu tiên đều dính cá. Hai đường câu đầu mang lại hai con cá mè trắng, một con nặng khoảng 1,5kg và con còn lại nặng 2kg. Đường câu thứ ba này, một con cá trắm đen nặng khoảng 5kg. Đây được xem là một chú “mã Đà” khủng.
Anh Hiếu là người may mắn khi “câu trúng” một chú “mã Đà” có trọng lượng khoảng 5kg.
Giới cần thủ sông Đà vừa mong được “chạm mặt” cá nhưng nhiều người cũng ái ngại. Bởi nếu không có sức bền, không có kỹ thuật “dòng” cho mệt thì rất khó để đưa được những con cá trắm đen có trọng lượng dăm bảy kg lên bờ một cách dễ dàng.
Ngay như Hiếu, một gã cần thủ chuyên nghiệp chuyên đi săn cá “khủng” cũng phải mất gần 20 phút gồng mình, giằng co đến mệt bở hơi tai với nó. Dù mệt, nhưng anh Hiếu vẫn chia sẻ: Không phải hôm nào đi câu cũng may mắn như vậy đâu. Những ngày nước lặng, anh em “đánh tiêu” cả ngày, có hôm về không. Còn những ngày Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả nước thì cá về nhiều hơn. Nhưng đây là câu sông, không phải cứ buông cần, thả câu là “dính” cá.
Việc câu cá trên sông Đà chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong thời điểm Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở các cửa xả, nước sông chảy xiết, dâng cao. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm các cần thủ săn cá có trọng lượng lớn.
Thực tế, việc săn cá trên sông Đà trong những ngày xả lũ tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể nói trước. Như cách đây chưa lâu, vào trung tuần tháng 5/2025 vừa qua một người đi câu cá đã gặp nạn, ngã xuống sông mất tích. Phải mất đến 3 ngày sau mới tìm thấy thi thể cách nơi bị nạn hơn 3km.
Dòng chảy xiết, những mỏm đá lởm chởm, trơn trượt có thể cướp đi sinh mạng con người bất cứ lúc nào nếu thoáng chút sơ sểnh. Hơn nữa, không phải chỗ nào cũng có thể đến buông câu được. Một số khu vực thuộc phạm vi bảo vệ của Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ngoài ra, nhiều khu vực còn bị dân chài giăng lưới bủa vây tứ phía, khiến cá khó có thể vào được. Chính vì vậy, trước đây có nhiều người đi câu chuyên nghiệp để “kiếm cơm”, nhưng giờ đây nhiều người đã phải bỏ nghề.
Đa phần hiện nay, những người đến đây câu cá chủ yếu là để giải trí, tìm niềm vui sau những áp lực của cuộc sống. Được cá thì vui, không được cũng là một cách để thư giãn. Tuy nhiên, điều đáng nói là vẫn còn một số người bất chấp nguy hiểm, bất chấp các quy định về bảo vệ công trình liên quan đến an ninh quốc gia, ngang nhiên vào khu vực cấm, vùng nước cấm để câu cá. Hành vi này không chỉ đe dọa đến tính mạng của chính họ mà còn vi phạm pháp luật.
Dòng Đà Giang vẫn cuồn cuộn chảy, các cuộc săn “mã Đà” vẫn tiếp diễn mỗi ngày. Đó là một phần văn hóa sông nước, là niềm đam mê của những con người gắn bó trọn đời với dòng sông đầy kiêu hãnh “Đà Giang độc tẩu bắc lưu”...
Mạnh Hùng