Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa: TTXVN
Điều này không những giúp nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giàu bền vững mà còn thúc đẩy chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của địa phương.
Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, 262 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản... tập trung nhiều ở các huyện như: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, Chương Mỹ…
Trần Phú là xã khó khăn nhất của huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới tư duy trong sản xuất nhiều hộ nông dân ở đây đã mạnh dạn đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, cho hiệu quả kinh tế cao thu nhập lên đến hàng tỷ đồng/năm.
Điển hình là mô hình chăn nuôi gà sạch cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Anh Phạm Xuân Cư ở xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho đàn gà không bị dịch bệnh, cách đây 6 năm, gia đình đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng 2.200 m2 chuồng nuôi gà sạch theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp; trong đó có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, ăn uống tự động, xử lý chất thải chăn nuôi bảo đảm môi trường... Mỗi năm gia đình anh gồm 4 người nuôi được 4-5 lứa gà; trừ các khoản chi phí, thu nhập đạt từ 1,2 -1,5 tỷ đồng/năm.
Chăn nuôi gà gia công cho doanh nghiệp, nông dân không phải lo về con giống, thức ăn, vaccine phòng dịch, thị trường tiêu thụ... Bên cạnh đó, nông dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật, cung cấp chế phẩm sinh học xử lý chất thải, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường chăn nuôi gà sạch... Mỗi lứa gà, gia đình anh thu nhập hơn 20 triệu đồng từ việc bán chất thải chăn nuôi cho người thu gom nguyên liệu làm phân bón vi sinh...
Ngoài ra, nhiều hộ dân ở xã Trần Phú đã chuyển diện tích đất trũng thấp trồng lúa một vụ sang nuôi cá hữu cơ. Điển hình là gia đình bà Chư Thị Tứ đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi cá chép giòn, trắm, rô phi hữu cơ, mỗi năm cho thu nhập 2-3 tỷ đồng trên 20 ha ao nuôi... Hay Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã và đang trồng nhiều loại rau, củ theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, đầu tư lắp đặt hệ thống camera, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất để minh bạch quá trình sản xuất, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng...
Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn cho biết, xác định rõ sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường, nên ngay từ khi thành lập, đơn vị đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở tiêu thụ, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định. Đến nay, hợp tác xã có 6 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt hơn 800 tấn/năm; thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng...
Ông Tống Văn Thái, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi có 158 chủ trang trại liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm theo hình thức chăn nuôi gia công...
Nổi bật trong lĩnh vực trồng trọt là Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đã liên kết với nông dân các xã, thị trấn Chúc Sơn, Thụy Hương, Hồng Phong, Hữu Văn, Tân Tiến, Nam Phương Tiến... sản xuất nhiều loại rau hữu cơ, an toàn cung cấp cho bếp ăn tập thể của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BigC, T-Mart...
Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú liên kết với Công ty cổ phần Vũ Võ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ tại một số tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu... Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tại hệ thống siêu thị, cửa hàng của BigC, T-Mart, Vin-Mart, Sói Biển, Grove Fesh, Công ty Suất ăn công nghiệp Hà Nội, các cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể...
Từ nay đến hết năm 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh phù hợp quy hoạch; chú trọng nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm..., ông Tống Văn Thái thông tin.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, từ năm 2026-2030, huyện Chương Mỹ tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, sản xuất nông nghiệp phù hợp nhu cầu thị trường; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả; đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện chủ trương mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; mở rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất như gieo cấy bằng máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái; hỗ trợ xây dựng, duy trì 20 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố đã hình thành 166 hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, HACCP; 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 132 hợp tác xã nông nghiệp có các sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm); gần 40% số hợp tác xã đã có liên kết sản xuất, tiêu thụ; trong đó, 84 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết theo chuỗi giá trị, 10 hợp tác xã phát triển kinh tế tuần hoàn và ứng dụng chuyển đổi số... Nhờ áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất đã giúp các hợp tác xã phát triển ổn định, nâng cao đời sống cho xã viên và kinh tế nông thôn tại địa phương.
Nam Giang/TTXVN