Sau sáp nhập không để ảnh hưởng công tác tuyển sinh

Sau sáp nhập không để ảnh hưởng công tác tuyển sinh
7 giờ trướcBài gốc
Tuyển sinh vào lớp 1 tại Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Giữ ổn định
Trước ngày 1/7, Trường THPT Lê Hoàn thuộc tỉnh Hà Nam (cũ), nay trường thuộc tỉnh Ninh Bình. Bà Nguyễn Thị Minh Thu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác tuyển sinh vào lớp 10 không bị ảnh hưởng, xáo trộn bởi sáp nhập và mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Nhà trường đã tuyển sinh đủ 294 học sinh lớp 10.
Trước đó, công tác chuẩn bị tuyển sinh được nhà trường triển khai kỹ lưỡng. Ban giám hiệu nhà trường cử các nhóm giáo viên và nhân viên trực tại trường để tư vấn, hỗ trợ phụ huynh.
Để giải đáp băn khoăn của phụ huynh về phương án tuyển sinh trong bối cảnh sáp nhập các tỉnh và thực hiện chính quyền 2 cấp, nhà trường chủ động triển khai tuyên truyền từ sớm. Ngay khi kết thúc năm học 2024 - 2025, nhà trường tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân trên địa bàn về kế hoạch tuyển sinh theo yêu cầu “5 rõ”, gồm: Tuyến, chỉ tiêu, thời gian, phương thức và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh.
“Những thay đổi về bộ máy chính quyền không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của nhà trường. Nhà trường vẫn tổ chức tuyển sinh theo quy định”, bà Nguyễn Thị Minh Thu khẳng định, đồng thời cho biết, Trường THPT Lê Hoàn đã mời phụ huynh, học sinh trúng tuyển vào lớp 10 để tư vấn đăng ký môn học lựa chọn.
Từ ngày 1/7, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh sáp nhập thành tỉnh Bắc Ninh. Theo bà Lê Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Ninh (Nếnh, Bắc Ninh), việc sáp nhập tỉnh và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp không gây xáo trộn về tuyển sinh đầu cấp.
Công tác phân tuyển sinh, phân tuyến vẫn giữ ổn định như thời điểm trước sáp nhập. “Chúng tôi đã hoàn tất tuyển 340 học sinh lớp 6, được chia thành 8 lớp. Mọi quy trình diễn ra thuận lợi”, bà Lê Thu Hà chia sẻ.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025. Ảnh: TG
“Trước - sau” đều thuận lợi
Bà Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Vĩnh Hưng, Hà Nội) cho biết, năm học này, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy được giao chỉ tiêu tuyển 320 học sinh lớp 1 cho 8 lớp. Hiện, nhà trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu được giao.
“Dù trước hay sau ngày 1/7, công tác tuyển sinh của trường diễn ra thuận lợi. Chúng tôi nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo phường, trong đó có cán bộ phòng Văn hóa - Xã hội”, bà Nguyễn Phương Hoa chia sẻ.
Năm học 2025 - 2026, TP Hà Nội dự kiến tuyển 95.000 trẻ mầm non; 52.000 trẻ mẫu giáo (5 tuổi); 155.000 học sinh lớp 1 và 161.000 học sinh lớp 6. Cùng với cả nước, từ 1/7, Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, nhiều đơn vị hành chính và cơ cấu quản lý giáo dục có sự thay đổi. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, ổn định, không có xáo trộn.
Năm nay, kế hoạch tuyển sinh của Hà Nội được xây dựng từ sớm. Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2025 - 2026, Hà Nội duy trì ổn định hai hình thức tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp.
Các trường vẫn tuyển sinh theo tuyến như trước đây, giữ ổn định thời gian, phương thức tuyển sinh đảm bảo đúng tiến độ chuẩn bị cho năm học mới. Việc vận hành chính quyền 2 cấp từ 1/7 không ảnh hưởng, tác động đến tuyển sinh đầu cấp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm nay. Công tác tuyển sinh giữ ổn định, không gây xáo trộn, bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh đã quy định. Nguyên tắc chung là bảo đảm mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập được đến trường, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân sinh sống tại địa bàn.
Năm học 2026 - 2027, Hà Nội sẽ tính toán triển khai hệ thống bản đồ số để tuyển sinh. Ông Trần Thế Cương cho biết, đơn vị đang tính toán chuyển đổi số và triển khai hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - bản đồ số GIS). Khi áp dụng, bản đồ sẽ định vị khoảng cách từ nhà đến trường để phân tuyến thay phân tuyến tuyển sinh theo phường như những năm gần đây.
Trong bối cảnh sắp xếp lại xã, phường, đại diện các cơ sở giáo dục đại học cho biết, các chính sách về tuyển sinh vẫn giữ ổn định. TS Trần Cường - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng. Học sinh lớp 12 nên hỏi giáo viên chủ nhiệm về khu vực ưu tiên của trường THPT đang học để khai thông tin cho chính xác.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thì chế độ ưu tiên khu vực được thực hiện như hướng dẫn tại Công văn số 389/UBDT-CSDT ngày 30/3/2020 thực hiện chính sách dân tộc; trong đó có quy định các xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập, đổi tên.
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, với cơ sở giáo dục THPT do thay đổi địa giới hành chính, chuyển địa điểm hoặc thay đổi cấp hành chính… dẫn đến thay đổi mức ưu tiên khu vực, thì mỗi giai đoạn hưởng mức ưu tiên khác nhau.
Cơ sở giáo dục sẽ được gán một mã cơ sở giáo dục khác nhau cùng mức ưu tiên khu vực phù hợp. Theo đó, thí sinh căn cứ thời gian học tập tại cơ sở giáo dục THPT chọn và điền đúng mã cơ sở giáo dục theo các giai đoạn để hưởng đúng mức ưu tiên theo khu vực.
Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp và sáp nhập địa giới hành chính, trong bối cảnh không còn phòng GD&ĐT quận, cô Nguyễn Phương Hoa cho hay, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy chủ động lập kế hoạch tuyên truyền công tác tuyển sinh đầu cấp và giải đáp thắc mắc cho phụ huynh. Nhờ đó, công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi.
Minh Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/sau-sap-nhap-khong-de-anh-huong-cong-tac-tuyen-sinh-post740523.html