Sẽ thu gọn đầu mối quản lý Chương trình 1719, trao toàn quyền cho địa phương

Sẽ thu gọn đầu mối quản lý Chương trình 1719, trao toàn quyền cho địa phương
16 giờ trướcBài gốc
Loạt đề xuất từ các địa phương
Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) - Chương trình 1719 chuẩn bị bước sang giai đoạn 2 (2026-2030).
Theo Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian tới, Chương trình 1719 sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước.
Để Chương trình 1719 phát huy hiệu quả cao hơn nữa, nhiều địa phương đã đề xuất loạt kiến nghị khá cụ thể.
Đáng chú ý là vấn đề tăng cường tỷ lệ vốn đầu tư (vốn đầu tư chiếm ít nhất 70%, vốn sự nghiệp khoảng 30%), tăng mức đầu tư tối thiểu bằng 1,5 lần so với giai đoạn 2021-2025; có cơ chế ưu tiên cụ thể huy động, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để tăng thêm nguồn vốn đầu tư; Ban hành bộ cơ chế quản lý, điều hành và nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2026-2030 trước thời điểm 31/12/2025 để các bộ, ngành, địa phương có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu giai đoạn 2026-2030 (tránh việc triển khai chậm, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý như giai đoạn 2021-2025).
Mặt khác, cần có chính sách thỏa đáng để vận động, thu hút các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trọng điểm đầu tư vào vùng đồng bào DTTS&MN (chẳng hạn chính sách ưu đãi đặc thù cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào DTTS&MN, đào tạo, sử dụng lao động là người DTTS...).
Nhiều địa phương cùng chung ý kiến nên nghiên cứu cơ chế thực hiện theo hướng ban hành chương trình khung, trên cơ sở đó, cấp trung ương giao mục tiêu, chỉ tiêu, kinh phí cho địa phương theo hình thức khoán gọn. Nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc chủ động nghiên cứu, triển khai, tránh tình trạng “sợ trách nhiệm”, đùn đẩy lên cấp trên những công việc thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm của cấp cơ sở.
Nhiệm vụ rất quan trọng khác là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động, am hiểu tường tận các chính sách, pháp luật, “dám nghĩ, dám làm”. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách sử dụng, tuyển dụng sinh viên người DTTS hệ cử tuyển, tạo nguồn nhân lực cán bộ người DTTS, tránh lãng phí ngân sách đào tạo.
Chương trình 1719 sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN để thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước. Ảnh: Thạch Thảo
Sẽ phân cấp tối đa cho địa phương để giải quyết "5 nhất"
Ghi nhận ý kiến từ các địa phương, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đề xuất: Nguyên tắc xuyên suốt khi triển khai Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030 là thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phân cấp tối đa, trao toàn quyền cho các địa phương chủ động lập kế hoạch, huy động và phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện đảm bảo theo lộ trình để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm và cả giai đoạn.
Các cơ quan trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tạo hành lang thông thoáng cho các địa phương tổ chức thực hiện.
Việc thực hiện Chương trình 1719 phải đảm bảo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.
Chương trình 1719 giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu giải quyết đồng bộ nhóm vấn đề “5 nhất” vẫn còn tính thời sự cao trên địa bàn vùng DTTS&MN gồm: Điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; chất lượng nhân lực thấp nhất; Kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; Tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia lưu ý các địa phương cần rà soát kỹ để đề xuất một số nội dung trụ cột chính theo đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương ở các lĩnh vực sau: Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS&MN; hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào DTTS; Phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS&MN; hỗ trợ DTTS có khó khăn đặc biệt, DTTS rất ít người...
Các cơ quan chức năng sẽ tham mưu điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số mục tiêu cụ thể để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương sau quá trình tinh gọn, sáp nhập và bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Đề xuất một số chỉ tiêu cụ thể của giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030
- Thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước;
- Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới;
- Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN, hàng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ;
- Có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ;
- Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa;
- Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân;
- Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong đồng bào DTTS. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng;
- Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030.
Bình Minh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/se-thu-gon-dau-moi-quan-ly-chuong-trinh-1719-trao-toan-quyen-cho-dia-phuong-2423285.html