Số phận của Trạm vũ trụ quốc tế ISS sau khi kết thúc hoạt động

Số phận của Trạm vũ trụ quốc tế ISS sau khi kết thúc hoạt động
14 giờ trướcBài gốc
Trạm vũ trụ quốc tế ISS dự kiến sẽ kết thúc hoạt động vào cuối thập kỷ này. (Nguồn: NASA)
Các nhà du hành vũ trụ đã liên tục làm việc, sinh hoạt tại Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) kể từ khi nó bắt đầu hoạt động vào năm 2000.
Phòng thí nghiệm ngoài không gian này đã trở thành nơi tiến hành các thử nghiệm khoa học, nghiên cứu về du hành vũ trụ và hợp tác quốc tế. Cho đến nay, 280 phi hành gia thuộc 23 quốc gia đã lên làm việc tại ISS.
Tuy nhiên, mọi điều tốt đẹp rồi cũng phải kết thúc. Vào cuối thập kỷ này, ISS sẽ kết thúc quãng thời gian hoạt động của mình.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra với một trạm vũ trụ nặng 430 tấn, có kích thước bằng một sân bóng đá khi nó không còn được sử dụng nữa?
Không thể bỏ rơi con tàu
Sau Mặt Trăng, ISS là vật thể lớn nhất quay quanh Trái Đất. Nếu có bất cứ thứ gì va vào, ISS có thể vỡ ra tạo ra một trận mưa mảnh vụn đe dọa các vệ tinh khác.
Là một hiện vật độc đáo có giá trị lịch sử không thể phủ nhận, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cân nhắc khi xác định xem liệu bất kỳ phần nào của ISS có thể được tận dụng để bảo tồn lịch sử hoặc phân tích kỹ thuật hay không. Tuy nhiên, ý tưởng này được cho là quá tốn kém và phức tạp để thực hiện.
Do đó, NASA đã tính tới phương án phá hủy hoàn toàn ISS. Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã chính thức được NASA trao hợp đồng trị giá 843 triệu USD nhằm thực thi phương án này.
Mặc dù kế hoạch vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng về cơ bản, SpaceX sẽ phát triển một tàu vũ trụ mang tên US Deorbit Vehicle - hoạt động giống như một chiếc tàu kéo, đưa ISS xuống bầu khí quyển nơi phần lớn trạm vũ trụ này sẽ bốc cháy khi quay trở lại Trái Đất.
Tuy nhiên, với kích thước khổng lồ của ISS, nhiều bộ phận của trạm vũ trụ này gần như không bị đốt cháy hoàn toàn trong quá trình ma sát với bầu khí quyển. Do đó, phải cẩn thận để đảm bảo rằng bất kỳ bộ phận nào rơi xuống bề mặt Trái Đất đều ở khu vực không có dân cư.
Các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS ngày 6/6/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiến sỹ Darren Baskill, giảng viên thiên văn học tại Đại học Johnsfield cho biết: “Hầu hết Trái Đất được bao phủ bởi nước và các nhà khoa học vũ trụ rất thành thạo trong việc áp dụng những thay đổi đối với quỹ đạo vệ tinh cho đến thời điểm quay trở lại khí quyển, để kiểm soát chính xác đường đi của tàu vũ trụ.”
Tiến sỹ Baskill giải thích rằng toàn bộ quá trình sẽ bao gồm những điều chỉnh trong quỹ đạo cuối cùng của ISS để đảm bảo nó sẽ đến đúng nơi, cách xa con người.
Vào ngày 23/3/2003, trạm vũ trụ Mir của Nga gặp sự cố tại Point Nemo ở Thái Bình Dương. Ở cách đất liền gần nhất 2.688km, vị trí tương tự cũng có thể là nơi an toàn để làm điểm hạ cánh của trạm ISS.
Kế hoạch chinh phục không gian hậu ISS
Trong khi số ngày hoạt động của ISS đang được đếm ngược, đây là lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ con người sẽ không duy trì sự hiện diện thường trực trên trạm vũ trụ.
Tất nhiên, con người vẫn sẽ ở trên đó trong không gian. Trung Quốc đã xây dựng trạm vũ trụ riêng mang tên Thiên cung trên quỹ đạo từ năm 2021 và hy vọng sẽ duy trì hoạt động cho đến những năm 2030.
Đối với Mỹ, NASA đang tìm kiếm các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực không gian để cung cấp chỗ ở cho các phi hành gia với chi phí phải chăng hơn trong thời kỳ hậu ISS.
Chương trình Phát triển Quỹ đạo Trái đất Thấp Thương mại (CLD) đã được NASA công bố vào năm 2021, với hàng trăm triệu USD dành cho các công ty có khả năng phát triển các trạm vũ trụ mới.
Nghe có vẻ đắt đỏ, nhưng xét đến việc ISS tiêu tốn khoảng 150 tỷ USD để phát triển và 4 tỷ USD mỗi năm để vận hành, kế hoạch tỏ ra khá khôn ngoan.
Ngoài ra, một dự án tham vọng hơn nhiều mang tên Cổng Mặt Trăng của NASA, nếu thành công, sẽ đưa một trạm vũ trụ vào quỹ đạo quay quanh Mặt Trăng. Nếu may mắn, các phi hành gia đầu tiên sẽ lên làm việc trên Cổng Mặt Trăng vào năm 2028.
ISS chuẩn bị kết thúc vai trò của mình nhưng con người vẫn sẽ tiếp tục vươn đôi cánh ra ngoài Trái Đất nhằm khám phá vũ trụ bao la./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/so-phan-cua-tram-vu-tru-quoc-te-iss-sau-khi-ket-thuc-hoat-dong-post1001941.vnp