Trẻ bị sởi nặng cần được theo dõi sát bởi nhân viên y tế. Ảnh: Khương Nguyễn.
Trong công văn hỏa tốc do TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ký ban hành, cho biết những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Đặc biệt, tại TP.HCM, UBND TP đã công bố dịch sởi trên địa bàn. Số người bệnh sởi đến khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh tăng nhanh.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức phân luồng người bệnh ngay từ khi đến đăng ký khám. Bố trí khu khám riêng cho người bệnh sởi hoặc người nghi mắc sởi.
Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh; Thực hiện tốt việc phân loại, thu dung, cách ly, điều trị theo quy định nhằm hạn chế lây lan, không qua khỏi.
Một bệnh nhi đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp không qua khỏi liên quan đến sởi (TP.HCM 3 ca, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca). So với cùng kỳ năm 2023, số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn gấp 111 lần.
Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho hay số ca mắc sởi trong năm nay của địa phương này tăng đột biến với 657 ca sởi và phát ban nghi sởi.
Tương tự, tại Đồng Nai, số bệnh nhân mắc sởi cũng tăng nhanh, trong tháng 9 có 20 ca nhưng đến tháng 11 đã tăng lên 102 ca.
Từ ngày 1/9 đến ngày 19/11, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.
Các chuyên gia nhận định dịch sởi gia tăng do chu kỳ dịch, đồng thời tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại 31 tỉnh, thành, cho trẻ em 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ. Tuy nhiên, hiện một số tỉnh, thành phố triển khai chiến dịch chưa đảm bảo tiến độ.
TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như một biện pháp chống dịch tăng cường.
Mũi vaccine này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vaccine sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Phương Anh