Đại Virus. Suốt nhiều năm trời, các lãnh đạo ngành dược phẩm và các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo về một mầm bệnh chết người, một loại siêu vi khuẩn tiến hóa hoàn hảo theo nhiều cách cả lớn lẫn nhỏ, thâm hiểm và ngẫu nhiên, rốt cuộc sẽ gây ra thiệt hại tối đa.
Mô típ đó là nguồn cảm hứng phổ biến của Hollywood, thứ đã khơi mào cho các cốt truyện về đại dịch trong các bộ phim đình đám như tác phẩm kinh điển hồi những năm 1990 Outbreak, lấy cảm hứng từ tựa sách bán chạy The Hot Zone, trong đó một bệnh sốt nhiệt đới chết người đã càn quét khắp thế giới, con virus gây ra nó trú ngụ trong một con khỉ bị bắt ở rừng rậm Châu Phi và mang bán cho một cửa hàng chuyên buôn thú lạ.
Ebola, loại virus đời thực gần nhất với con virus hư cấu nói trên, đã bùng lên ở châu Phi hồi giữa những năm 2010, giết chết hơn 11.000 người và gieo rắc kinh hoàng khi những bức ảnh chụp các sàn bệnh viện loang lổ vết máu và các giàn hỏa táng được lan truyền trên các kênh tin tức toàn cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Cottonbro studio/Pexels.
Nhưng những căn bệnh nhiệt đới như Ebola thường giết chết nạn nhân của nó quá nhanh, thành thử không kịp lan ra khắp thế giới. Những người không mất mạng lại ốm yếu quá, không thể nào tới nhà hàng hay rạp chiếu phim hay các địa điểm tụ họp công cộng, nơi họ có thể lây bệnh cho những người khác. Và những bệnh này lại chủ yếu lây truyền qua đường máu, nghĩa là chỉ ai có tiếp xúc gần với các chất dịch cơ thể của bệnh nhân mới có thể bị phơi nhiễm.
Mối đe dọa thực sự, theo lời cảnh báo của các chuyên gia y tế công cộng, là một loại virus lây lan qua không khí hoặc qua tiếp xúc thông thường, thứ gì đó kiểu như bệnh cúm mùa. Nó sẽ cắm rễ ngay tại nơi nó đã xâm nhập vào cơ thể-trong phổi-và tàn phá cơ quan này một cách âm thầm, chậm rãi hơn.
Những triệu chứng ban đầu nó gây ra sẽ giống với bất kỳ con virus nào trong số hàng ngàn loại virus thường chỉ được xem là một trận cảm nặng. Và thay vì cái chết gần như chắc chắn mà các loại mầm bệnh ma quái hư cấu đã hứa hẹn, con Đại Virus sẽ gây ra tỷ lệ tử vong tối ưu khiến các nhà virus học kinh hoàng.
Nó sẽ giết chết đủ nhiều người để gióng lên hồi chuông cảnh báo tại khắp các cơ quan y tế công cộng nhưng lại để phần lớn nạn nhân sống sót và thậm chí vẫn đi lại được. Họ sẽ mang trong mình tải lượng virus đủ cao để lây lan cho những người khác song vẫn đủ khỏe mạnh để tiếp tục các sinh hoạt hằng ngày.
Cung cách nước đôi kiểu đó có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về sinh học hoặc một đột biến trong một chuỗi mã di truyền. Nhưng nó sẽ là một thắng lợi của tiến hóa. Virus chỉ có một mục đích duy nhất: lây lan. Giết chết vật chủ quá nhanh chỉ tổ phản tác dụng.
Khi tháng 3 năm 2020 tới, Covid-19 có vẻ như đã thỏa mãn hết mọi điều kiện kể trên. Một nghiên cứu khoa học ban đầu, được thực hiện hồi tháng 2, đã xác định tỷ lệ tử vong khi mắc Covid là 5,25%, tức là mức độ nguy hiểm bằng khoảng một nửa so với SARS và gấp 50 lần so với bệnh cúm mùa đông thông thường. Đây chính xác là mức tử vong tối ưu về virus học.
Các báo cáo ban đầu gợi ý, và những báo cáo về sau đã xác nhận, rằng những người mắc Covid-19 đã có thể lây nhiễm cho người khác trước cả khi họ có triệu chứng, khiến việc ngăn chặn nó trở nên bội phần gian nan. Như bất kỳ công sở hoặc trường học nào cũng có thể chứng thực, rất khó để bắt mọi người nghỉ ở nhà khi họ biết rằng mình bị ốm. Ép một người khỏe mạnh phải cách ly sẽ là chuyện hầu như bất khả thi.
Loại virus này đã dễ dàng vượt qua các biên giới quốc tế và lách được lệnh phong tỏa của chính phủ Trung Quốc - một hành động phải thừa nhận là muộn màng nhưng đã được thực thi quyết liệt [...]
Và mặc dù nó có chung nguồn gốc di truyền với một họ virus mà y học hiện đại đã quá quen mặt, song các loại virus lại vốn có tiếng là khó lường. Một số loại đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị, số khác thì không. Một số có thể được ngăn ngừa bằng vaccine, số khác thì không. (Vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh cảm lạnh thông thường, và hàng thập kỷ nghiên cứu đã thất bại trong việc tạo ra vaccine HIV). Virus rất quỷ quyệt, phức tạp, và chỉ luôn theo đuổi một mục đích duy nhất. Đã vậy, con virus này còn có một khởi đầu thuận lợi.
Liz Hoffman/NXB Trẻ