Sự thật về những lầm tưởng phổ biến thời đế chế La Mã cổ đại

Sự thật về những lầm tưởng phổ biến thời đế chế La Mã cổ đại
3 giờ trướcBài gốc
Nếu những gì chúng ta biết về Đế chế La Mã với đấu trường đẫm máu, sự xa hoa và những bức tượng cẩm thạch hóa ra lại không chính xác thì sao? Bài viết dưới đây sẽ vén màn sự thật đằng sau tám huyền thoại nổi tiếng về La Mã cổ đại.
#1: Đấu sỹ luôn chiến đấu đến chết
Khác với hình ảnh các võ sỹ giác đấu phải đứng trước nguy cơ sinh tử trong các bộ phim, không phải trận đấu nào cũng kết thúc bằng cái chết.
Theo sử gia Garrett Ryan, chỉ khoảng một phần năm số trận đấu dẫn đến tử vong. Việc để đấu sỹ chết là không hề có lợi, vì họ mất đi khả năng kiếm tiền, khiến chủ nô phải chịu tổn thất về tài chính. Dù vậy, các trận đấu vẫn đầy rẫy nguy hiểm, với nhiều chấn thương nghiêm trọng có thể xảy ra.
#2: Vomitorium là phòng “nôn” sau bữa tiệc
Hình ảnh người La Mã ăn uống quá độ trong các bữa tiệc xa hoa, sau đó vào vomitorium để nôn rồi tiếp tục ăn, thực ra là một hiểu lầm.
Vomitorium không phải là nơi để nôn mà là một đặc điểm kiến trúc của nhà hát và đấu trường La Mã, giúp khán giả ra vào dễ dàng và nhanh chóng.
#3: Tượng La Mã cổ Đại chỉ có màu trắng
Chúng ta thường tưởng tượng các bức tượng La Mã cổ đại là những tác phẩm cẩm thạch trắng tinh khiết, nhưng thực tế, chúng đã từng được khoác lên mình màu sắc sống động.
Một bức tượng thời kỳ La Mã. (Nguồn: National Geographic)
Các nghệ nhân La Mã đã sơn các bức tượng để phản ánh chi tiết từ màu da đến tóc, nhưng theo thời gian, lớp sơn này phai đi, để lại tượng có vẻ ngoài trắng sáng như ngày nay.
#4: Nero chơi đàn violin khi Rome bốc cháy
Nero, vị hoàng đế nổi tiếng với sự tàn bạo và xa hoa, thường bị nhắc đến trong câu chuyện "chơi đàn violin khi Rome chìm trong biển lửa."
Tuy nhiên, câu chuyện này hoàn toàn không có cơ sở lịch sử, bởi đàn violin không hề tồn tại vào thời của Nero.
Ngoài ra, mặc dù không có mặt khi đám cháy bắt đầu, ông đã vội vã trở về và làm hết sức mình để dập tắt đám lửa và cứu trợ những người bị ảnh hưởng.
#5: Phụ nữ La Mã bị giam hãm trong nhà
Mặc dù La Mã là một xã hội nam quyền, điều này không có nghĩa phụ nữ bị giam hãm trong nhà. Nhiều phụ nữ La Mã vẫn có ảnh hưởng trong đời sống xã hội và sở hữu tài sản.
Dù không được phép giữ chức vụ công hay bầu cử, phụ nữ vẫn có quyền ảnh hưởng đến chính trị, như trong các cuộc biểu tình chống lại luật lex Oppia vào năm 195 trước Công nguyên.
#6: Người dân đế chế La Mã đều giống nhau về ngoại hình và ngôn ngữ
Đế chế La Mã trải dài từ Anh Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm nhiều dân tộc và ngôn ngữ khác nhau. Các khu vực trong đế chế sử dụng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Aramaic, tiếng Hy Lạp và tiếng Gaulish.
Một nghiên cứu vào năm 1901 đã chỉ ra rằng một phụ nữ La Mã thuộc tầng lớp thượng lưu có thể là người gốc Bắc Phi.
Bên cạnh đó, nhiều hoàng đế như Trajan và Septimius Severus cũng không xuất thân từ bán đảo Italy mà từ Tây Ban Nha và Libya.
#7: Các thánh tử đạo Kitô Giáo đầu tiên chủ yếu bị giết hại tại đấu trường La Mã
Hình ảnh các thánh tử đạo Kitô giáo bị giết trong các cuộc tra tấn tàn nhẫn tại Đấu trường Colosseum là một câu chuyện phổ biến nhưng không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh.
Đấu trường Colosseum. (Nguồn: Britannica)
Thực tế, các vụ hành quyết liên quan đến Kitô giáo chủ yếu diễn ra tại các địa điểm khác như Circus Maximus, và sự liên kết với Colosseum chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ năm, khi Kitô giáo đã trở thành tôn giáo chính thức.
#8: La Mã sụp đổ vào năm 476 sau Công nguyên
Mặc dù nhiều người nghĩ Đế chế La Mã sụp đổ vào năm 476 sau Công nguyên khi Hoàng đế Romulus Augustulus bị lật đổ, thực tế sự chia cắt giữa Đế chế La Mã phía Tây và Đông đã diễn ra từ năm 330.
Khi Romulus Augustulus bị lật đổ, Đế chế Byzantine ở phía Đông vẫn tiếp tục tồn tại thêm một thiên niên kỷ nữa.
Sự sụp đổ của Đế chế La Mã phía Tây thực tế không làm thay đổi cuộc sống ở Italy, nơi các di sản của La Mã vẫn còn ghi dấu trong cơ sở hạ tầng và ngôn ngữ ngày nay.
Dù nhiều huyền thoại vẫn tồn tại, những sự thật này cho thấy một La Mã cổ đại phức tạp hơn nhiều so với những gì ta thường tưởng tượng./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/su-that-ve-nhung-lam-tuong-pho-bien-thoi-de-che-la-ma-co-dai-post1001856.vnp