Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Nếu để phác thảo, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài tỉnh về hành trình di sản xứ Thanh, Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh luôn là điểm đến được nhắc nhớ. Tên gọi ấy, vùng đất ấy khiến tâm khảm mỗi người nghĩ sâu hơn, dài rộng hơn về sợi dây liên kết giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và hiện tại, lịch sử và thời đại...
Sách “Đại Nam nhất thống chí” có những ghi chép về vùng đất Lam Kinh: "Lam Kinh nhà Lê ở phía Đông núi Lam Sơn tại xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên, phía Nam trông ra sông Lương, phía Bắc gối vào núi, là đất dựng cơ nghiệp của Lê Thái Tổ, đầu đời Thuận Thiên lấy đất này đặt làm Tây Kinh, cũng gọi là Lam Kinh, xây dựng cung điện trông ra sông, đằng sau cung điện có hồ lớn giống hồ Kim Ngưu, các khe núi đổ vào hồ này, lại có khe nhỏ bắt nguồn từ hồ chảy qua trước điện, ôm vòng lại như hình vòng cung, bắc cầu lợp ngói ở trên khe, đi qua cầu mới đến cung điện...".
Lịch sử vương triều đã khép lại sau bức màn thời gian. Người xưa đã khuất bóng nhưng sự nghiệp và công trạng vẫn còn lưu danh muôn thuở. Điện - miếu Lam Kinh không còn giữ được vẹn nguyên kiến trúc ban đầu nhưng vẫn luôn bền bỉ sức sống, vẫn là điểm đến không thể bỏ qua khi về với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “Thanh Kỳ khả ái”. Đặc biệt, vào các ngày 21 - 22/8 âm lịch hằng năm, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh luôn rộn ràng đón hàng nghìn lượt du khách thập phương về dự hội với nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ đặc sắc. Phần lễ được tổ chức trang trọng, bao gồm các nghi thức, nghi lễ tâm linh như: Rước kiệu vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc vương Lê Lai, đọc chúc văn, tấu cáo tiên tổ, dâng hương tưởng niệm vua Lê Thái Tổ và nghĩa sĩ Lam Sơn. Cùng với những nghi thức, nghi lễ ấy, lễ hội được tổ chức với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với các dấu mốc quan trọng và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian...
Ngược dòng thời gian về với mạch nguồn lịch sử - văn hóa xứ Thanh, không gian tâm linh cổ kính với kiến trúc lăng - mộ, đền, miếu, đình làng kết nối mở ra dấu mốc vàng son trong lịch sử dân tộc gắn với cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng Triệu Thị Trinh - Bà Triệu.
Theo sử sách, Bà Triệu sinh ra và lớn lên tại vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân. Ngay từ thuở thiếu thời, Bà Triệu đã tỏ rõ chí khí hơn người. Năm 248, căm thù quân xâm lược giày xéo non sông, thù nhà phải báo, Bà Triệu đã cùng người anh của mình là Triệu Quốc Đạt tại vùng núi Nưa lau lách hoang sơ, địa hình hiểm trở ngày đêm tập hợp lực lượng, phất cờ khởi nghĩa.
Mặc dù chiến đấu rất kiên cường, có thời điểm nghĩa quân liên tiếp khiến quân địch hoảng sợ, bạt vía, nhiều thành ấp của giặc Ngô lần lượt bị triệt hạ. Sau cùng, vì kế sách đê hèn của quân giặc, nghĩa quân thất thế. Trước sự truy đuổi ráo riết của quân địch, Bà Triệu phải rút về núi Tùng. Bà quỳ xuống vái trời đất: “Sinh vi tướng, tử vi thần” (sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tuẫn tiết vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn 248. Cũng chính trên đỉnh ngọn núi này, khu lăng, mộ Bà Triệu được xây dựng. Những câu chuyện xoay quanh cuộc đời, công trạng của vị nữ tướng ấy, hẳn rằng người con đất Việt nào cũng đã từng ít nhất một lần nghe kể: “Ru con, con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi/ Muốn coi lên núi mà coi...”.
Rước kiệu - nét độc đáo trong Lễ hội đền Bà Triệu.
Khu lăng - mộ Bà Triệu hòa mình trong cảnh sắc thiên nhiên xanh mướt mát, có chút gì vừa thần bí, vừa trầm mặc, thâm u. Lối vào lăng bắt đầu từ nghi môn nằm dưới chân núi với 4 trụ biểu. Đỉnh của trụ biểu hai bên có linh vật - nghê chầu. Thân trụ là lồng đèn chạm hình tứ linh, chân trụ hình cổ bồng. Dạo bước qua nghinh môn, ngay dưới lối đi lên đỉnh núi Tùng là khu vực thờ 3 anh em nhà họ Lý, người làng Bồ Điền (xã Triệu Lộc), được biết đến là tùy tướng dũng mãnh, trung thành của Bà Triệu.
Sau khi thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính, ngưỡng vọng của bậc hậu thế với những bậc bề tôi trung thành, nghĩa khí, đi qua hàng trăm bậc đá dốc sẽ tới đỉnh núi Tùng, nơi dựng lăng và mộ Bà Triệu. Lăng xây kiểu hình chóp, đáy vuông, có ba tầng; mái lăng làm theo kiểu mái kiệu long đình; đỉnh lăng gắn hình nậm rượu; toàn bộ lăng được chế tác từ đá xanh nguyên khối. Cấu trúc mộ Vua Bà có cửa hình vòm ra 4 phía, mái tạo dáng cong ở các góc, đỉnh mộ gắn cầu tròn. Ngoài ra, trên đỉnh núi Tùng còn có tháp chúa, cấu trúc hình trụ vuông bốn mặt làm bằng đá nguyên khối.
Nằm cách khu lăng - mộ không xa là ngôi đền thờ Bà Triệu hàng nghìn năm tuổi và ngôi đình làng Phú Điền với quy mô, kiến trúc bề thế 5 gian và 6 vì kèo gỗ. Cả ba nơi này đều là không gian diễn ra lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 19 đến 24/2 âm lịch hằng năm, trong đó các năm chẵn sẽ tổ chức theo hướng đại lễ. Các hoạt động chính làm nên nét đặc sắc, độc đáo trong lễ hội đền Bà Triệu gồm: tế phụng nghinh, rước bóng (rước kiệu). Đoàn rước gồm 5 kiệu: Hương án, bát cống, song loan, long đình, kiệu võng; mỗi kiệu có hàng chục quân kiệu. Đoàn rước đi từ đền đến khu lăng, mộ sau đó vào đình Phú Điền, thờ 1 ngày 1 đêm rồi tiếp tục quay trở lại đền và yên vị. Đoàn rước càng đi càng đông, tất cả như đang hòa mình vào không gian rộn vang tiếng trống, chiêng gõ dồn và những nghi thức, nghi lễ được cử hành tạo nên bức tranh lễ hội đa sắc đa thanh. Với những giá trị to lớn và nét độc đáo ấy, năm 2022, Lễ hội đền Bà Triệu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Quần thể di tích lăng mộ, đền thờ Bà Triệu, đình làng Phú Điền cùng Lễ hội đền Bà Triệu là hai trong số rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đa dạng trên địa bàn tỉnh ta. Theo thống kê sơ bộ, xứ Thanh hiện có khoảng 1.535 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ, trong đó có 858 di tích đã được xếp hạng các cấp phân theo 4 loại di tích (di tích lịch sử - văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh); 27 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hàng trăm lễ hội, lễ tục được tổ chức với đầy đủ các loại hình. Đây là tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, nguồn lực nội sinh quan trọng, vừa là điểm tựa vừa là động lực cho xứ Thanh kiên định, vững vàng bước qua mọi khó khăn, thử thách, biến động để vươn mình và phát triển.
Xứ Thanh là vùng đất xuất hiện từ rất sớm ở những ghi chép có từ thời Hùng Vương dựng nước, dưới tên gọi Cửu Chân. Trong đó, năm 1029 (đời Lý Thái Tông, niên hiệu Thiên Thành) được xác định là năm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. “Từ quận Cửu Chân thời Văn Lang - Âu Lạc, trải qua từ thời Bắc thuộc đến các nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ và dưới thời kỳ thuộc Pháp, đến tỉnh Thanh Hóa ngày nay, Thanh Hóa là một đơn vị hành chính tương đối ổn định nhất về cương vực và độc lập trực thuộc chính quyền Trung ương”. Ở những vỉa tầng sâu nhất, trong sự vận động và phát triển mạnh mẽ nhất, những giá trị lịch sử - văn hóa xứ Thanh vẫn mãi là điểm tựa vững vàng và bền bỉ.
Bài và ảnh: Đăng Khoa