Sudan rơi vào khủng hoảng sâu rộng

Sudan rơi vào khủng hoảng sâu rộng
6 giờ trướcBài gốc
Người tị nạn chờ lấy nước sinh hoạt tại Gedaref, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo ngày 19/7 của Liên hợp quốc (LHQ), trên 450 dân thường, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng trong các vụ tấn công nhằm vào các ngôi làng quanh thị trấn Bara, tỉnh Bắc Kordofan. Các tổ chức cứu trợ cảnh báo tình hình ngày càng nghiêm trọng khi nhiều cộng đồng bị mắc kẹt và không thể tiếp cận viện trợ nhân đạo cơ bản. Giao tranh gia tăng cũng khiến các tổ chức này phải đình chỉ hoạt động ở phần lớn các địa phương tại khu vực.
Từ tháng 4/2023, xung đột giữa quân đội Sudan (SAF) và lực lượng bán quân sự Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã lan rộng, đặc biệt tại Darfur và Kordofan. Chỉ tính từ ngày 10 - 14/7, ít nhất 23 dân thường thiệt mạng trong các cuộc tấn công của quân đội Sudan tại Tây Kordofan, trong khi RSF bị cáo buộc sát hại trên 60 người ở thị trấn Bara.
Hậu quả của cuộc xung đột không chỉ giới hạn ở số thương vong. Theo đánh giá của chuyên gia Khalid Siddig thuộc Viện IFPRI, nếu xung đột kéo dài, giá trị nền kinh tế Sudan có thể giảm tới 42% so với năm 2022. Các ngành then chốt như công nghiệp, nông nghiệp và việc làm đều suy giảm nghiêm trọng, đẩy hơn 7 triệu người vào cảnh nghèo đói.
Trong nỗ lực tái thiết, Thủ tướng Sudan Kamil Idris ngày 19/7 tuyên bố triển khai hàng loạt dự án khôi phục thủ đô Khartoum - nơi bị xung đột tàn phá nặng nề với ước tính thiệt hại chiếm tới 1/2 trong tổng số 700 tỷ USD trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc hồi hương người dân vẫn bị cản trở bởi tình trạng thiếu điện, thiếu nước sạch và dịch bệnh bùng phát, trong đó có dịch tả.
Trong khi đó, làn sóng di cư của người Sudan vẫn tiếp diễn. Ngày 19/7, Libya thông báo đã trục xuất khoảng 700 người di cư Sudan trong khuôn khổ chiến dịch trấn áp nhập cư trái phép. Quốc gia này hiện là điểm trung chuyển lớn trên tuyến đường di cư từ châu Phi tới châu Âu.
Cùng ngày, Sudan đã lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào các cá nhân và tổ chức liên quan tới cuộc xung đột. Bộ Ngoại giao Sudan chỉ trích đây là bước đi “thiếu tiêu chuẩn pháp lý công bằng” và kêu gọi EU có cách tiếp cận cân bằng hơn, phù hợp với bối cảnh đặc thù của nước này.
Với hơn 14 triệu người phải di dời, 50% số dân đối mặt với mất an ninh lương thực, Sudan đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay. Các chuyên gia cảnh báo nếu không có giải pháp chính trị bền vững, Sudan có nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kéo dài và không thể phục hồi trong nhiều năm tới.
Nguyễn Trường - Nguyễn An (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/sudan-roi-vao-khung-hoang-sau-rong-20250720105323272.htm