Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Xu hướng tất yếu, nâng tầm quốc gia

Tái khởi động dự án điện hạt nhân: Xu hướng tất yếu, nâng tầm quốc gia
một giờ trướcBài gốc
Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là một bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia, trước áp lực đảm bảo an ninh năng lượng và phát thải ròng bằng không. Chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, phát triển điện hạt nhân là xu hướng tất yếu, phù hợp với bối cảnh toàn cầu, có điện hạt nhân sẽ đảm bảo an ninh năng lượng, nâng tầm vị thế quốc gia. Việc phát triển điện hạt nhân cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể, quy định rõ ràng và có chính sách đặc thù để triển khai hiệu quả.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận): Cần lộ trình cụ thể, tránh lãng phí
Điện hạt nhân giúp đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu cụ thể năm 2050. Do đó, tôi đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân thành công, đạt hiệu quả cao.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN
Tôi cho rằng cần phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư, nguồn lực đất đai tại 2 vị trí khác nhau mà năm 2009 Quốc hội đã có Nghị quyết chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Việc đầu tư phát triển điện hạt nhân cần có chủ trương thống nhất triển khai thực hiện, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân.
Với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, Ninh Thuận đã được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển điện, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm công nghiệp xanh, sạch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội): Điện hạt nhân nâng tầm vị thế quốc gia
Tôi cho rằng, có điện hạt nhân sẽ đảm bảo an ninh năng lượng, nâng tầm vị thế quốc gia. Phát triển điện hạt nhân nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Theo tôi, điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo chỉ góp phần quan trọng chứ không thể quyết định vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng. Dự án điện hạt nhân rất quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, do nhà nước đầu tư xây dựng và vận hành.
Việc đầu tư xây dựng, vận hành và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng để đảm bảo an toàn cao nhất.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang): Luật Điện lực sửa đổi mở ra chủ trương phát triển các dự án điện hạt nhân
Về chính sách phát triển điện hạt nhân, tôi cho rằng, đến thời điểm này xem xét lại là phù hợp. Luật Điện lực sửa đổi lần này mở ra chủ trương để Chính phủ có cơ sở nghiên cứu, xây dựng phát triển các dự án điện hạt nhân. Bởi, đi cùng với chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, cần có điện nền để ổn định lưới điện. Do đó, phải tính đến điện hạt nhân.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Tham khảo một số nước phát triển trên thế giới, tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu điện quốc gia là rất lớn, chiếm đến 30-40% chứ không hề nhỏ. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, tôi cho rằng xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân là phù hợp. Do đó, tôi cho rằng cần tiếp tục thực hiện chiến lược điện hạt nhân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Xu thế của thế giới
Phát triển điện hạt nhân là một trong những xu thế của thế giới, cho dù một số quốc gia trên thế giới họ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân, nhưng đến nay đã tái khởi động lại do nhu cầu năng lượng, sử dụng điện lớn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Cho nên, nước ta cũng không thể “đóng cửa” với điện hạt nhân. Tất nhiên việc phát triển điện hạt nhân vẫn cần đảm bảo về quốc phòng, an ninh, môi trường...
Tôi cho rằng cần khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian sớm nhất. Đây là một vấn đề rất hệ trọng vì nguồn năng lượng của Việt Nam hiện nay đang rất thiếu. Đồng thời, cần hạn chế dần đến mức thấp nhất nhiệt điện và điện than, không phù hợp với xu thế thời đại.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-xu-huong-tat-yeu-nang-tam-quoc-gia/355000.html