Tân Bộ trưởng Tài chính: Lương, thưởng trả theo barem, thang bậc thì không có được người tài

Tân Bộ trưởng Tài chính: Lương, thưởng trả theo barem, thang bậc thì không có được người tài
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 29-11, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nêu ý kiến, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận xét doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện đang nắm giữ một khối lượng tiền vốn và tài sản rất lớn, trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Vậy nhưng hoạt động của DNNN thường kém năng động, hiệu quả mang lại thấp hơn DN tư nhân.
Vốn nhà nước đầu tư bị thất thoát không được phát hiện kịp thời
Một trong những nguyên nhân cơ bản, theo ông Cường, là cơ chế quản lý của Nhà nước đối với DNNN chưa phù hợp, còn chồng chéo làm cho các DN bị trói buộc cứng nhắc, không phân định rõ ràng về quyền hạn gắn và trách nhiệm.
“Vốn nhà nước đầu tư bị thất thoát không được phát hiện kịp thời, không xác định được trách nhiệm cá nhân, hoặc khi phát hiện được thì đã mất tiền, kéo theo mất cán bộ” - ông Hoàng Văn Cường nói.
ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG
ĐB đoàn Hà Nội đồng tình với sự cần thiết phải sửa căn bản luật này, để tạo một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền và trách nhiệm giữa quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của DN, tạo một cơ chế thông thoáng cho các DNNN.
Cùng với đó, có cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả tiền vốn Nhà nước đầu tư vào DN theo nguyên tắc ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó.
Góp ý một số vấn đề cụ thể, ĐB Hoàng Văn Cường đánh giá quy định “người đại diện phần vốn nhà nước tại DN là một nhóm người” là chưa phù hợp. “Như thế sẽ không phát huy được vai trò của người đứng đầu, không xác định được trách nhiệm cá nhân nếu tiền vốn đầu tư vào DN bị thất thoát” - theo ông Hoàng Văn Cường.
Ông Cường cho rằng cần phải bổ sung quy định Nhà nước sau khi đầu tư vốn vào DN thì trở thành cổ đông của DN, sở hữu cổ phần theo phần vốn đã đầu tư. Với tư cách là cổ đông, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử người, hoặc là thuê người để đại diện, để thực hiện quyền cổ đông trong DN. Người đại diện chịu trách nhiệm quản lý tiền vốn đã đầu tư vào DN theo mục tiêu đầu tư của nhà nước.
Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giao nhiệm vụ cho người đại diện thông qua các chỉ tiêu kế hoạch mà DN phải thực hiện, như bảo toàn và phát triển vốn đầu tư hoặc trích nộp lợi nhuận tương ứng với phần vốn Nhà nước đầu tư. Đối với DN nhà nước nắm quyền chi phối có thể giao thêm các nhiệm vụ chính trị thực hiện vai trò điều tiết của nhà nước…
Mức độ thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch được Cơ quan đại diện chủ sở hữu giao cũng chính là các chỉ tiêu để đánh giá, phân loại DN và đánh giá người đại diện chủ sở hữu tại DN.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG
“Để thực hiện các nhiệm vụ được giao, người đại diện chủ sở hữu phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, bố trí những người phù hợp nhất với các vị trí quản trị của DN” - ông Cường nhấn mạnh.
Để đảm bảo tiền vốn đã đầu tư vào DN được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phòng ngừa rủi ro, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử bộ phận giám sát, độc lập để giám sát các hoạt động của DN và người đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm các vị trí quản lý khác trong bộ máy quản lý của DN phải do người được cử đại diện chủ sở hữu toàn quyền lựa chọn và quyết định theo các tiêu chuẩn cán bộ quản lý DN do Chính phủ quy định.
Trong khi đó, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận xét mô hình cơ quan quản lý vốn vẫn chưa có sự thay đổi lớn và “tạo sự rối rắm trong việc người đại diện vốn”.
“Ở ngoài người ta trả gấp từ 50 đến 100 lần”
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định người đại diện vốn tại DN có vai trò rất quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn. Tại những DNNN có từ 50% vốn trở lên, họ sẽ là người lãnh đạo của DN, quyết định việc DN hoạt động có hiệu quả hay không.
“Rõ ràng phải có cơ chế quản lý, đánh giá nhưng phải gắn với chế độ đãi ngộ; phải có công cụ cho người ta. Chúng ta đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta rất vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại bảo theo barem, thang bậc thì báo cáo các đại biểu là không bao giờ có được người tài. Và có được người tài cũng không bao giờ làm hết sức được” - ông Thắng nói và cho hay “một DN cùng ngành nghề, ở ngoài người ta trả gấp từ 50 đến 100 lần, còn chuyện gấp 5 lần, 10 lần là phổ biến”.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình cuối phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Tài chính cũng cho rằng việc quản lý, đánh giá cần rất khách quan, minh bạch. DN làm ăn hiệu quả thì phải đánh giá hiệu quả đó qua lợi nhuận, doanh thu, các chỉ số đặt ra phải rất rõ ràng.
“Nếu làm tốt thì lương, thưởng thế nào? Nếu vượt lợi nhuận đặt ra, mức lương thưởng có cao hơn không? Nếu không làm tốt, mức độ nào là cảnh cáo, mức độ nào là sa thải? Thế mới sòng phẳng” - vẫn lời ông Thắng.
Quan trọng hơn, Bộ trưởng Tài chính cho rằng người đại diện vốn tại DN phải có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo.
“Nếu hiện nay, DN tư nhân như thế nào thì với DNNN, chúng ta áp dụng cũng cơ chế đó. Như thế liên quan đến một dự án mua công nghệ chẳng hạn, người ta vào đàm phán với trách nhiệm lớn, lương cao khác với người lương chỉ bình thường, những người này chỉ làm mức độ vừa phải, được là được. Còn giá giảm nữa, bản thân người ta cũng không được gì.
Chưa kể nếu lương thấp, quá trình đàm phán lại cài cắm vào đấy, không những không đàm phán mà còn gửi giá vào đó thì rõ ràng có vấn đề. Trong khi một ông chủ tư nhân sẽ đàm phán để có được mức giá thấp nhất có thể” - Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Tài chính nói ông đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu xung quanh câu chuyện người đại diện vốn tại DN. “Khó khăn nhất chính là vấn đề liên quan đến chế độ lương, thưởng của các đại diện vốn tại các DN”- ông Thắng nói thêm.
Sao các DNNN cứ lỗ?
Tại sao bây giờ các DNNN cứ lỗ? Năm 2023, lỗ lũy kế của 134 DNNN lên đến gần 115.300 tỉ đồng, khoảng 4,6 tỉ USD. Vậy những lĩnh vực làm ăn có lãi có đủ gánh được những DN lỗ như thế này không?
Tôi đề nghị Nhà nước chỉ tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, đầu tư vào những dự án quan trọng và trọng yếu như an ninh và quốc phòng, còn lại phải tăng cường cổ phần hóa và thoái vốn, nhà nước không nên ôm hết. Việc gì bên tư nhân lo được thì để cho tư nhân làm, không nhất thiết nhà nước phải tham gia nhiều như vậy.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động nhà nước cũng như rõ trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là những người điều hành các DNNN cho có hiệu quả.
ĐB TẠ VĂN HẠ (đoàn Quảng Nam)
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/tan-bo-truong-tai-chinh-luong-thuong-tra-theo-barem-thang-bac-thi-khong-co-duoc-nguoi-tai-post822396.html