Thu nhập tăng nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo
Với thực tế trượt giá và lạm phát, mức tăng 7,2% có thể chưa thực sự giúp người lao động có một tích lũy đáng kể hoặc cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống đối với những gia đình thu nhập thấp.
Sau khi so sánh các dữ liệu, thông tin về tăng lương tối thiểu vùng những năm qua, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, con số trung bình tăng lương tối thiểu vùng hơn 200.000 đồng/năm là còn quá thấp. Theo ông Hồng, cần có một cơ chế tự động tăng lương tối thiểu theo hướng hàng năm tăng cao hơn chỉ số lạm phát một vài phần trăm để vừa bù lạm phát vừa có sự tích lũy cho công nhân thì sẽ phù hợp hơn.
Công nhân tại TP. Hồ Chí Minh mua hàng thiết yếu với giá ưu đãi. Ảnh: Thái Phương
Theo kết quả khảo sát với 3.000 công nhân tại 10 tỉnh, thành phố do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 và 4 vừa qua, có 12,5% người lao động phải vay mượn hàng tháng, 26,3% chi tiêu tiết kiệm, 7,9% không đủ sống. Theo đó, chỉ 55,5% số người lao động cho biết bữa ăn chính có đủ thịt, cá; thu nhập thấp ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động của họ cũng như quyết định lập gia đình, sinh con, đầu tư cho giáo dục.
Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, mức lương tối thiểu chỉ được điều chỉnh 1 lần với tỷ lệ 6%. Trong khi đó, giá điện đã tăng tới 4 lần, kéo theo chi phí sản xuất và giá các mặt hàng thiết yếu leo thang. Kết quả là thu nhập của người lao động đang ngày càng bị "bỏ xa" so với tốc độ tăng chi phí sinh hoạt. Không ít lao động bám trụ lại thành phố dần mất đi cơ hội tích lũy, đầu tư cho con cái học hành hay cải thiện nơi ăn, chốn ở.
Đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thông tin, cử tri, đặc biệt là công nhân tại khu công nghiệp, đang phải đối mặt với sức ép kép là giá điện, giá vàng tăng kéo theo giá lương thực, thực phẩm tăng. Theo đó, vẫn còn nhiều người lao động phải sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, chật vật trong chi tiêu cuộc sống. Bà Thái Thu Xương kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát hiệu quả lạm phát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, khẩn trương xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, thậm chí nên điều chỉnh sớm hơn để phù hợp thực tiễn.
Để tăng lương thực sự là động lực tăng năng suất lao động
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng dao động từ 3,45 triệu đồng/tháng (vùng IV) đến 4,96 triệu đồng/tháng (vùng I), tương ứng mức lương theo giờ từ 16.600 - 23.800 đồng.
Mặc dù Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu thêm 7,2% vào đầu năm 2026, nhưng với mặt bằng quá thấp như hiện nay, nếu mỗi năm chỉ tăng 5 - 7% thì lương tối thiểu vẫn sẽ mãi "đuối sức" trước tốc độ leo thang của chi phí sinh hoạt.
Để tháo gỡ "nút thắt" này, điều tiên quyết là phải xác định lại đúng bản chất của lương tối thiểu. Đó phải là mức bảo đảm được cuộc sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tại từng khu vực. Việc điều chỉnh lương tối thiểu không thể làm theo cách "cào bằng" hay cảm tính mà cần dựa trên cơ sở khảo sát thực tế, tính đúng, tính đủ các khoản chi phí thiết yếu như tiền thuê nhà, điện, nước, học phí, y tế, đi lại...
Chính sách tăng lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa khi đi kèm với các biện pháp kiểm soát giá cả. Bởi nếu thu nhập tăng nhưng giá xăng, điện, thực phẩm… cũng leo thang, hoặc thậm chí "vượt mặt" mức tăng lương thì người lao động vẫn không thể cải thiện đời sống. Việc giữ vững giá trị thực của đồng lương cần được xem là nhiệm vụ song hành với điều chỉnh chính sách tiền lương.
Các chuyên gia cũng cho rằng, song song với việc tăng lương cần phải tăng năng suất lao động để tạo ra sự bền vững trong thu nhập của người lao động. Do vậy, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, đồng thời hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Khi năng suất tăng, thu nhập có thể cải thiện thực chất, lương tối thiểu khi đó mới có ý nghĩa bảo đảm cuộc sống theo hướng bền vững.
Ở một khía cạnh khác, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, người lao động, các chuyên gia đề xuất điều chỉnh các khoản đóng góp khác để doanh nghiệp có nguồn lực tái đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp để doanh nghiệp không bị đứt gãy dòng tiền do chi phí lương tăng. Đồng thời, Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định về lương tối thiểu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia nêu ý kiến rằng, doanh nghiệp sử dụng lao động phải quyết tâm cao trong việc nâng cao năng lực quản trị, áp dụng khoa học công nghệ với mục tiêu duy trì các chỉ số phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ số lượng việc làm và đặc biệt là giữ chân người lao động có tay nghề trước bối cảnh lương tăng cũng như các chi phí khác đều tăng.
Tùng Dương