Thông tin giáo viên của Trường Tiểu học, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm (với 2 cơ sở tại TPHCM và 1 cơ sở tại Bình Dương) nhận mức lương bình quân hơn 30 triệu đồng/tháng khiến nhiều người quan tâm. Trong đó, giáo viên có mức lương cao nhất là 60,7 triệu/tháng và thấp nhất là 14 triệu/tháng. Ngôi trường này có hơn 400 giáo viên trong đó có 98,5% là giáo viên cơ hữu, giảng dạy cho gần 10.000 học sinh ở các cấp.
Ông Tưởng Nguyên Sự - Hiệu trưởng trường cho biết hằng năm, nhà trường tăng khoảng 10% đối với lương của giáo viên, trong khi học phí tăng từ 3-5%. Để giữ chân nhà giáo, ngoài mức lương cao hơn so với mặt bằng chung, trường cũng quan tâm xây dựng chính sách về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Trường cũng bố trí khu nhà ở cho nhân viên có nhu cầu. Các chính sách như hỗ trợ cho vay, nâng chuẩn lên tiến sĩ, thạc sĩ, hỗ trợ từ khoảng 50-100% tùy vào mục tiêu của từng người, thưởng lễ Tết, thi đua lao động để thu hút nhà giáo.
Mặc dù không thể so sánh giữa trường công và trường tư về mức lương nhà giáo nhưng rõ ràng, khi đón nhận thông tin trên, không ít nhà giáo công lập ngậm ngùi vì dù có tuổi nghề hàng chục năm với nhiều danh hiệu thi đua cố gắng hàng năm cũng chưa đạt được mức lương thấp nhất của một trường tư.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (Đoàn Thanh Hóa) dẫn Báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về nhà giáo kèm theo Hồ sơ dự án luật cũng như ý kiến của cử tri, đánh giá của xã hội cho thấy: Mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn. Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố. “Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình sách giáo khoa mới...”- ông Thức cho hay.
Dự thảo Luật Nhà giáo đang tiếp tục đề xuất “lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp” theo nội dung được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, và mới đây được nhắc lại trong Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn: “Khi đưa đề xuất về chính sách tiền lương vào dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh lại, đây là việc cần thiết và cần tính toán. Ở góc độ nào đó cũng cần nhìn nhận, trong thời gian vừa rồi, dù chưa thực hiện được nhiều, song với hai đợt điều chỉnh mức lương cơ sở, đời sống của đội ngũ nhà giáo cũng đã được cải thiện một bước, đem lại cho nhà giáo nhiều sự động viên”.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn trong thời gian qua, dù đã có những thay đổi nhưng cơ bản chúng ta chưa thực hiện được nhiều về mặt chính sách tiền lương cho nhà giáo. Nhà giáo đang chiếm số lượng đông đảo, với trên 1 triệu người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Do đó, dù thực sự quan tâm, nhưng để hiện thực hóa sự quan tâm này, còn phải cân đối nguồn ngân sách nhà nước có thể chi trả. Đất nước ta đến nay cũng mới thoát nghèo chưa lâu, nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước còn rất nhiều và người lao động nhìn chung còn nhiều khó khăn, không chỉ riêng đội ngũ nhà giáo. Cho nên, tuy đã có một định hướng rất rõ ràng, nhưng để thực hiện được sẽ phải cần thêm những tính toán phù hợp về nguồn lực.
Lam Nhi