Những gian hàng bán tò he ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm thu hút các em nhỏ. Ảnh: Lê Minh.
Điểm hẹn văn hóa cuối tuần
Những tuyến phố đi bộ trên địa bàn TP Hà Nội dần đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và du khách vào mỗi dịp cuối tuần. Song cũng có tuyến phố “ế ẩm”, vắng người.
Hiện nay, Hà Nội có 6 không gian đi bộ, trong đó, phố đi bộ Hồ Gươm vẫn luôn là địa chỉ hấp dẫn của người dân Hà Nội. Tuyến phố này hội tụ đủ mọi thứ, từ không gian đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực đến trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Không chỉ có vị trí đắc địa, tuyến phố đi bộ Hồ Gươm còn tập trung cảnh quan, danh lam thắng cảnh, cụm di tích… Những dịp cuối tuần đều có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các chương trình, sự kiện được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có sự phối hợp giữa các đơn vị và chính quyền địa phương.
Cách phố đi bộ Hồ Gươm không xa là khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình). Thời gian gần đây, khu phố này đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm. Để tăng sức hấp dẫn, vừa qua UBND quận Ba Đình đã khánh thành vườn hoa Trúc Bạch và đường nối Trấn Vũ - Trúc Bạch, vừa là một điểm nhấn về không gian kiến trúc, vừa kết nối giúp giao thông khu vực này thông thoát hơn.
Khi chia sẻ về 2 tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận Ba Đình, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận cho biết: Cả hai khu vực, ẩm thực và tuyến phố đi bộ, UBND quận Ba Đình đều lựa chọn trên cơ sở những yếu tố có sẵn, không áp đặt, không duy ý chí. “Chúng tôi chỉ tạo điều kiện, thúc đẩy để nó đi theo định hướng phát triển mong muốn, và đặc biệt là phải tạo ra khu vực có bản sắc. Sau dự án cải tạo đường ven hồ, tôi đã nghe trực tiếp những ý kiến, tâm sự của người dân ở đây nói phải thay đổi thói quen hàng ngày để giữ gìn vệ chung, để khu phố văn minh hơn” - ông Chiến chia sẻ.
Còn phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) thời gian qua thường xuyên được lựa chọn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội ẩm thực Hà Nội… Các sự kiện cùng những hoạt động bên lề hấp dẫn đã thu hút được nhiều người dân và du khách đến để trải nghiệm hơn.
Hay như phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) là điểm sáng về cách làm sáng tạo khi trở thành địa điểm tổ chức nhiều chương trình chất lượng. “Từ khi triển khai tuyến phố đi bộ với các hoạt động phong phú về đêm, lượng du khách đến nghỉ cuối tuần tại các điểm du lịch, nghỉ dưỡng xung quanh tăng 20 - 30%, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần trùng với thời điểm có tuyến phố đi bộ” - bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cho biết.
Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh (Hà Nội) mới khai trương nhưng ít hoạt động hấp dẫn. Ảnh: Việt Linh.
Phải tạo được bản sắc
Bên cạnh những tuyến phố có sức hấp dẫn thì vẫn còn đó những không gian đi bộ rơi vào tình cảnh đìu hiu. Điển hình như không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn hoạt động không hiệu quả, quận Tây Hồ phải thu gọn quy mô tổ chức, từ “Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” được chuyển thành “Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ”.
Còn khu vực phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ hồ Ngọc Khánh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11/10. Với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quận, phố đi bộ Ngọc Khánh được kỳ vọng tạo không gian thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ tại đây và phụ cận, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của quận Ba Đình. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, tuyến phố đi bộ này những ngày cuối tuần vẫn vắng lặng như ngày thường.
Theo các chuyên gia, việc quản lý và duy trì hoạt động của các không gian đi bộ đang gặp không ít khó khăn vì liên quan đến nhân lực, môi trường, xây dựng sản phẩm, tổ chức sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí để hút khách. Bài toán làm thế nào để tăng sức hút cho các không gian đi bộ một cách bền vững, lâu dài và thường xuyên không đơn giản.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để khai thác hết tiềm năng của phố đi bộ trước hết cần chú trọng thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan để người dân thưởng ngoạn. Cùng với đó là phải nâng tầm văn hóa, và yếu tố công nghệ truyền thông như các điểm kết nối truyền thông hay như các không gian công cộng để tổ chức nơi giao tiếp.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, để đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, hấp dẫn du khách hơn, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã hợp tác với nhiều đơn vị làng nghề, các nhóm dự án “Tinh hoa Làng nghề Việt”, “Đình làng Việt”, các nghệ nhân… tổ chức nhiều buổi tọa đàm, giới thiệu các sản phẩm phục vụ khách du lịch thông qua các triển lãm giới thiệu nghề truyền thống trong không gian đi bộ.
Tại đây, du khách trong và ngoài nước được giới thiệu nhiều các sản phẩm đa dạng truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân như làm nón, gốm, tranh Kim Hoàng…. Các hoạt động trên đã góp phần quảng bá và tôn vinh các giá trị truyền thống, nhằm góp phần tuyên truyền cho người dân và du khách, đặc biệt là giới trẻ có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia.
Chia sẻ về sự vắng vẻ của một số tuyến phố đi bộ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là người tham gia nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng cho các không gian sáng tạo của Hà Nội cho rằng, cần biến các không gian đi bộ thành không gian sáng tạo mang dấu ấn riêng về văn hóa của từng địa phương, tránh những hoạt động na ná nhau.
Phạm Sỹ