Tạo 'đất lành' để đưa đàn sếu đầu đỏ trở về

Tạo 'đất lành' để đưa đàn sếu đầu đỏ trở về
10 giờ trướcBài gốc
Sếu đầu đỏ có tên trong Sách Đỏ Thế giới xuất hiện tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: TTXVN phát
Tạo "đất lành" để sếu về
Sếu đầu đỏ là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới và đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ. Sếu đầu đỏ còn là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và của tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cho biết, Vườn Quốc gia Tràm Chim tiếp giáp với 4 xã, gồm: Tràm Chim, Phú Thọ, Tam Nông và An Hòa, tổng diện tích hơn 7.300 ha, là một vùng đất ngập nước còn sót lại mang đặc trưng tiêu biểu của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười xưa. Đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học, nơi bảo tồn hàng trăm loài thực vật, chim nước và thủy sinh vật quý hiếm.
Năm 2012, Tràm Chim được quốc tế công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Qua đó, khẳng định vị trí và vai trò của Tràm Chim trong mạng lưới các vùng đất ngập nước có giá trị toàn cầu về sinh thái, bảo tồn thiên nhiên. Hệ sinh thái tại Tràm Chim gồm đồng cỏ ngập nước theo mùa, các loài thực vật bản địa như năng kim, lúa ma, rừng tràm..., tạo nên sinh cảnh đặc biệt phù hợp cho các loài chim nước cư trú và kiếm ăn.
Trước đây, Vườn Quốc gia Tràm Chim là nơi cư trú của quần thể lớn sếu đầu đỏ với số lượng ghi nhận có năm hơn 1.000 con. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, số lượng sếu về Tràm Chim suy giảm nghiêm trọng theo thời gian. Những năm gần đây, lượng sếu về gần như bằng 0, chẳng hạn các năm 2020, 2022 và 2023 không ghi nhận con sếu nào về Vườn Quốc gia Tràm Chim. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt, công bố và đang thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032".
Để hiện thực hóa ước mơ "Đưa đàn sếu trở về", Vườn Quốc gia Tràm Chim chú trọng cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu. Vườn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: điều tiết thủy văn hợp lý, loại bỏ các loài thực vật cạnh tranh; xới đất tạo điều kiện thuận lợi cho năng kim nảy mầm, quang hợp và phát triển củ (thức ăn khoái khẩu của sếu đầu đỏ). Sự phục hồi của năng kim không chỉ giúp cải thiện nguồn thức ăn cho sếu đầu đỏ mà còn góp phần duy trì hệ sinh thái tự nhiên của Tràm Chim. Những cánh đồng năng kim bạt ngàn đang dần hồi sinh, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.
Các quần thể hoa hoàng đầu ấn, lúa ma cùng những loài thực vật đặc trưng của vùng đất ngập nước cũng phục hồi, phát triển tốt hơn nhờ sự điều tiết thủy văn hợp lý. Vườn Quốc gia Tràm Chim còn phối hợp với các địa phương ở vùng đệm của Vườn đầu tư cơ sở hạ tầng và các thiết bị phục vụ vùng sản xuất lúa sinh thái; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mô hình sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Ông Nguyễn Văn Mẫn ở xã Tam Nông cho hay, với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và nhận thấy những lợi ích mang lại, ông chuyển sang làm lúa sinh thái. Trước đây, ông gieo sạ lúa giống 20 kg/công, đốt bỏ rơm rạ sau khi thu hoạch. Bây giờ, lượng lúa giống giảm còn 10 kg/công, dùng chế phẩm sinh học và phương pháp cày vùi để xử lý rơm rạ. Ông vẫn canh tác lúa 3 vụ/năm nhưng đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm phân, thuốc hóa học và tăng phân hữu cơ.
Vườn Quốc gia Tràm Chim đang phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu đầu đỏ, nhất là sự phát triển của lúa ma và năng kim. Một trong những tín hiệu tích cực nhất sau một thời gian thực hiện Đề án là năm 2024, Vườn Quốc gia Tràm Chim có sự xuất hiện trở lại của một số cá thể sếu đầu đỏ tại phân khu A5. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy môi trường sống của loài chim này đang dần được khôi phục. Không chỉ có sếu đầu đỏ, nhiều loài chim hoang dã quý hiếm khác cũng đã quay trở lại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Sẽ gây nuôi và thả 100 con sếu về tự nhiên
Theo ông Cao Thái Phong, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim, việc phục hồi và phát triển quần thể sếu đầu đỏ tại Tràm Chim thông qua biện pháp nuôi nhân giống và tái thả về môi trường tự nhiên. Đề án đặt mục tiêu trong vòng 10 năm (2022 - 2032) sẽ gây nuôi và thả 100 con sếu về tự nhiên, trong đó ít nhất 50 con sống sót ngoài tự nhiên. Qua đó, hình thành tại Tràm Chim một quần thể sếu có khả năng tự sinh sản, tự kiếm sống và tồn tại ổn định, sinh sống quanh năm tại Vườn. Nói cách khác, mục tiêu cuối cùng là tái lập thành công quần thể sếu đầu đỏ cư trú lâu dài ở Đồng Tháp Mười, góp phần cứu loài chim này khỏi nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam.
Sau 2 năm thực hiện, đến nay, Đề án đạt những kết quả ban đầu đáng khích lệ về các nội dung trọng tâm đề ra. Cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 phục vụ Đề án đã hoàn thành, gồm các hạng mục: Chuồng nuôi sếu non, chuồng ghép đôi, chuồng sếu trưởng thành (bán hoang dã), phòng chăm sóc thú y và kho dự trữ thức ăn, phòng kỹ thuật giám sát sếu… Tháng 4/2025, Vườn Quốc gia Tràm Chim tiếp nhận 6 con sếu đầu đỏ đầu tiên được đưa về từ Thái Lan, thuộc Đề án "Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032".
Vườn Quốc gia Tràm Chim đã thành lập Tổ quản lý và chăm sóc sếu đầu đỏ; ban hành Nội quy ra, vào chuồng nuôi sếu đầu đỏ. Hằng tuần, Tổ chăm sóc có nhiệm vụ thiết kế khẩu phần ăn cho các cá thể sếu, ngoài khẩu phần thức ăn viên, các thức ăn tự nhiên kèm theo bao gồm: cá nhỏ, dế, ếch con, sâu gạo và củ năng có sẵn ngoài tự nhiên. Bước đầu, sếu cơ bản thích nghi với môi trường khu bảo tồn của Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ gặp một số khó khăn như: Còn tình trạng người dân xâm nhập trái phép vào Vườn khai thác tài nguyên, chăn thả gia súc; vận động nguồn vốn xã hội hóa phục vụ Đề án còn hạn chế, chưa vận động đủ nhu cầu vốn theo kế hoạch từng năm đề ra. Việc đào tạo và thu hút chuyên gia về làm việc tại Tràm Chim cũng gặp khó do chế độ đãi ngộ hạn chế…
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung kiện toàn Ban điều hành Đề án và các Tổ chuyên môn; hoàn thiện các phương án vận chuyển sếu đầu đỏ về Tràm Chim đợt 2 năm 2026; tiếp nhận sếu và khởi động tái thả sếu về thiên nhiên. Cùng với đó, Vườn Quốc gia Tràm Chim tiếp tục cử thêm nhân viên kỹ thuật sang tập huấn tại Thái Lan về kỹ thuật ấp trứng, nuôi dưỡng sếu non, ghép đôi sinh sản và theo dõi sếu sau thả; mời các chuyên gia quốc tế tiếp tục sang Tràm Chim đào tạo tại chỗ cho toàn bộ ê-kíp để về lâu dài, có thể làm chủ hoàn toàn quy trình chăm sóc, nhân nuôi và bảo vệ đàn sếu ngoài tự nhiên.
Với quyết tâm của địa phương, sự chung tay của cộng đồng và hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế, Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu đưa loài chim quý hiếm này về với vùng đất Đồng Tháp Mười. Thành công của Đề án không chỉ có ý nghĩa về môi trường - đa dạng sinh học, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là điểm đến du lịch sinh thái đặc sắc, mang lại lợi ích kinh tế và niềm tự hào cho người dân địa phương.
Nhựt An (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/tao-dat-lanh-de-dua-dan-seu-dau-do-tro-ve-20250722160916458.htm