Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh
PV: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; đặc biệt nhằm tạo môi trường pháp lý thống nhất và ổn định về ưu đãi thuế TNDN để bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng và thuận lợi trong thực hiện. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, quy định pháp luật về thuế TNDN không còn phù hợp, việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết để Luật Thuế TNDN phù hợp với điều kiện thực tiễn, qua đó, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Trong thời gian vừa qua, các điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đã có những thay đổi lớn, có tác động nhiều đến đối tượng điều chỉnh của thuế TNDN như: sự phát triển của nền kinh tế số và internet, sự bùng nổ của thương mại điện tử, sự phát triển của kinh tế chia sẻ…
Điều này làm cho các quy định pháp luật về thuế TNDN được thiết kế theo kiểu truyền thống không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, làm xói mòn cơ sở thuế hoặc phát sinh vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Thuế TNDN. Thêm vào đó, các quy định pháp luật có liên quan đến ưu đãi thuế TNDN là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được sửa đổi. Điều này làm cho các quy định pháp luật về ưu đãi thuế TNDN vốn được thiết kế trên cơ sở quy định pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư trước đó không còn phù hợp với các luật chuyên ngành này.
Vì lẽ đó, cần thiết phải sửa đổi một số quy định, nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và góp phần chống thất thu ngân sách.
PV: Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật lần này đó là, doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam cũng phải nộp thuế TNDN. Việc sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho thực hiện thu, nộp, quản lý thuế đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện sẽ thay đổi công tác quản lý thuế ra sao, nhất là khía cạnh bao quát các nguồn thu ngân sách, thưa ông?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Một trong những vấn đề lớn nhất mà sự phát triển của kinh tế số, cùng với nó là dịch vụ số xuyên biên giới và thương mại đặt ra cho thực hiện quyền đánh thuế của các quốc gia là việc xây dựng cơ sở thường trú theo sự hiện diện vật lý truyền thống và địa điểm phát sinh thu nhập.
Các công ty đa quốc gia đã lợi dụng khoảng trống pháp lý về định nghĩa cơ sở thường trú này để tiến hành các hoạt động kinh doanh mà không phải nộp thuế TNDN ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Với việc bổ sung quy định về người nộp thuế trong dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi), khoảng trống pháp lý trên được lấp đầy. Qua đó, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để quản lý đầy đủ người nộp thuế và các khoản thu nhập phát sinh thuộc quyền đánh thuế của Việt Nam, chống thất thu thuế TNDN.
PV: Điểm mới đáng chú ý nhất của dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đó là, bổ sung mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và thuế suất 17% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Theo ông, những quy định mới trong ưu đãi thuế sẽ tác động ra sao đến "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay?
PGS.TS Lê Xuân Trường: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ có rất nhiều bất lợi so với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là bất lợi về nguồn lực đầu tư cho các yếu tố đầu vào và khoa học, công nghệ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới khoảng 97% đến 98% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế và có vai trò rất quan trọng trong việc tạo công ăn, việc làm cũng như huy động vốn đầu tư của xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh và là các doanh nghiệp vệ tinh cho sự phát triển của các doanh nghiệp lớn.
Vì thế, một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng rất thành công chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có việc áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa như đề xuất trong dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm nguồn lực tài chính để tích lũy và tích tụ vốn tốt hơn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Văn Tuấn