Tạo đột phá trong đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn

Tạo đột phá trong đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn
2 giờ trướcBài gốc
Luật Thủ đô 2024
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững". Ảnh: Thanh Hải
Thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm
Chia sẻ với PV, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sáng 28/6/2024. Trong đó, chú ý khai thác tốt 50 nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền, với hai nhóm cơ chế chính sách có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và từ ngày 1/7/2025. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Luật Thủ đô 2024 nổi lên 2 vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo đột phá trong cả nhận thức và thể chế về đầu tư trên địa bàn Thủ đô.
Theo đó, tại Điều 36, TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng NSNN để đầu tư vốn vào các DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, DN khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.
Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn. HĐND TP phê duyệt đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm do UBND TP quyết định thành lập Quỹ, ban hành điều lệ, quy chế đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Hoặc theo Điều 37, thẩm quyền về đầu tư: HĐND TP quyết định danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô; quyết định chủ trương đầu tư đối với các đầu tư công, dự án PPP không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương trên địa bàn TP, gồm: dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD không giới hạn tổng mức vốn đầu tư, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư công, dự án PPP không giới hạn tổng mức vốn đầu tư,...
Ngoài ra, HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án PPP trên địa bàn TP có sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao...
Hình ảnh công viên Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Vũ Lê
Tạo đột phá trong đầu tư các dự án trọng điểm
Theo Điều 37, UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 300 ha đến dưới 500 ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên, trừ dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đồng thời, quyết định đầu tư dự án đầu tư công, phê duyệt dự án PPP đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư nêu trên; quyết định lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài,...
“Như vậy, với Luật Thủ đô 2024, lần đầu tiên Hà Nội được phép lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng NSNN để đầu tư vốn vào các DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, DN khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của TP nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ. Nếu được thiết kế tốt và có quy mô đủ lớn, được vận hành nghiêm túc và chuyên nghiệp, thì đây sẽ là công cụ mới đầy sức mạnh và hiệu quả được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong dùng NSNN đầu tư mồi, tạo tác động lan tỏa phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển mô hình kinh doanh mới trên địa bàn Thủ đô”- TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, với sự phân cấp mạnh về thẩm quyền đầu tư không giới hạn quy mô vốn với các dự án không dùng vốn NSNN và được nhận ủy quyền cho phép quyết định đầu tư các dự án dùng vốn NSNN thuộc thẩm quyền Quốc hội và Chính phủ, với điều kiện không làm tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài... thì thực sự Hà Nội đã có trong tay bộ công cụ rất mạnh để tạo đột phá trong đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô.
“Với những nội dung phân cấp, phân quyền mới mang tính đột phá, Luật Thủ đô là minh chứng mới nhất và bền vững cho lòng tin yêu, sự tin cậy và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả nước với Thủ đô. Thực hiện tốt Luật Thủ đô vừa là quyền lợi to lớn, vừa là trách nhiệm cao cả của TP Hà Nội và cả nước”- TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Công Phương
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tao-dot-pha-trong-dau-tu-cac-du-an-trong-diem-tren-dia-ban-396032.html