Tạo dựng thương hiệu du lịch vùng Đông Bắc

Tạo dựng thương hiệu du lịch vùng Đông Bắc
5 giờ trướcBài gốc
Cảnh quan hùng vĩ và tươi đẹp của vùng Đông Bắc luôn thu hút khách du lịch.
Sở hữu ba công viên địa chất toàn cầu UNESCO: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất Lạng Sơn cùng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các địa danh văn hóa lịch sử như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, cùng nhiều điểm đến danh thắng: thác Bản Giốc, khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, sông Nho Quế, đỉnh Tây Côn Lĩnh, đèo Mã Pì Lèng…, một số tỉnh vùng Đông Bắc còn có đường biên giới quốc gia và hệ thống cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc… Việc liên kết và hợp tác phát triển là xu thế để phát huy giá trị tài nguyên du lịch văn hóa đặc trưng vùng Đông Bắc.
Không để chỉ là tiềm năng
Có quần thể núi non hùng vĩ, địa hình chia cắt rất mạnh tạo nên nhiều đèo cao, vực sâu, các thung lũng, thác nước và nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, vùng Đông Bắc chứa đựng hệ thống hang động, sông suối thác, ruộng bậc thang và sự đa dạng sinh học. Đây còn là nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa đa dạng, di sản văn hóa riêng biệt, làm nên diện mạo độc đáo của vùng. Tài nguyên văn hóa đặc sắc ẩn chứa trong văn học nghệ thuật, phong tục tập quán, nghi lễ, tri thức dân gian, tín ngưỡng, nghề thủ công, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, hệ thống di tích lịch sử văn hóa-cách mạng… là thế mạnh cũng như tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa lịch sử, cách mạng, về nguồn; du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm đời sống và tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các tỉnh trong vùng chưa thu hút được đông du khách do thiếu sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn. Nguyên nhân được các nhà quản lý về du lịch chỉ ra, việc xây dựng sản phẩm du lịch chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức, các sản phẩm du lịch chưa dựa trên nhu cầu của khách. Hạn chế cản trở phát triển du lịch của vùng hiện nay còn do chất lượng dịch vụ du lịch thấp, môi trường vệ sinh yếu, hạ tầng du lịch kém, đường đi lại khó khăn… không giữ chân du khách tham quan, trải nghiệm dài ngày. Việc khai thác các giá trị tài nguyên đặc trưng trong xây dựng sản phẩm du lịch còn thiếu tầm nhìn tổng thể, các sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lặp, chưa phát triển rõ nét các sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi địa phương cũng như toàn vùng.
Đề cập vấn đề phát triển du lịch vùng, Tiến sĩ Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty lữ hành Travelogy Việt Nam đã nói một cách hình ảnh về việc xây dựng thương hiệu du lịch là tạo “thẻ căn cước”, “dấu vân tay” cho các tài nguyên du lịch văn hóa. Ông nhấn mạnh, vùng Đông Bắc hội tụ nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử cách mạng, ẩm thực. Đây là tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng mà không đâu có được. Xây dựng thương hiệu du lịch tại các di sản thế giới trong tiểu vùng Đông Bắc sẽ góp phần quảng bá hình ảnh địa phương trong vùng cũng như hình ảnh quốc gia.
Nhìn nhận tiềm năng, lợi thế tài nguyên của vùng Đông Bắc với phát triển du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhấn mạnh: Cả nước có bốn công viên địa chất toàn cầu, thì riêng vùng Đông Bắc đã sở hữu ba công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Trong vùng còn có hồ nước ngọt tự nhiên Ba Bể nằm trong khu vực vườn quốc gia Ba Bể. Đây là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Ngoài ra, hệ thống di tích lịch sử cách mạng nằm ở các tỉnh, nhiều di tích chiến khu, căn cứ địa cách mạng cùng nền văn hóa đặc sắc… Tiềm năng thì như vậy, nhưng “kho báu” về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, lợi thế, vị trí này đang để quá lâu mà chưa được khai thác.
Cả nước có bốn công viên địa chất toàn cầu, thì riêng vùng Đông Bắc đã sở hữu ba công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Trong vùng còn có hồ nước ngọt tự nhiên Ba Bể nằm trong khu vực vườn quốc gia Ba Bể... Tiềm năng thì như vậy, nhưng “kho báu” về tài nguyên tự nhiên và văn hóa, lợi thế, vị trí này đang để quá lâu mà chưa được khai thác.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
Tạo lợi thế cạnh tranh từ liên kết vùng
Nhìn từ hệ thống tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của vùng Đông Bắc, cho thấy hoạt động liên kết và hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng, chất lượng cao, từ đó tăng khả năng cạnh tranh và những lợi thế phát triển du lịch không chỉ riêng một tỉnh mà cho toàn vùng. Không gian du lịch vùng Đông Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra chuỗi giá trị chung cho toàn vùng, khẳng định thương hiệu du lịch điểm đến. Vì vậy, định hướng phát triển và hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng các tỉnh vùng Đông Bắc trong thời gian tới hết sức cần thiết.
Trước mắt, các tỉnh vùng Đông Bắc cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển để làm nổi bật hình ảnh du lịch của vùng trong tổng thể du lịch cả nước. Về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhận định: Vùng Đông Bắc có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với công viên địa chất toàn cầu, hay nhóm sản phẩm du lịch biên giới gắn với các chợ cửa khẩu. Các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh có một số cửa khẩu quốc tế như: cửa khẩu Thanh Thủy, Săm Pun (Hà Giang), cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn), cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh (Cao Bằng), cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn) kết nối với Trung Quốc.
Vùng Đông Bắc có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với công viên địa chất toàn cầu, hay nhóm sản phẩm du lịch biên giới gắn với các chợ cửa khẩu.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch biên giới gắn với các khu thương mại cửa khẩu như du lịch tham quan, khám phá cảnh quan dọc theo cung đường vành đai biên giới; du lịch tham quan, chụp ảnh các cột mốc phân giới, các điểm cao, địa danh nổi tiếng như cột mốc số 0, cột cờ Lũng Cú; cột mốc 108, thác Bản Giốc; điểm cao 424, cửa khẩu Hữu Nghị, ga Đồng Đăng; du lịch kết hợp mua sắm tại các chợ mậu biên, thị trấn biên giới: Tân Thanh, Kỳ Lừa, Đông Kinh (Lạng Sơn); các chợ mậu biên ở Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Quảng Hòa (Cao Bằng); các chợ phiên ở Hoàng Su Phì, Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)...
Gợi ý khai thác thế mạnh riêng có của vùng để liên kết các tỉnh Đông Bắc trong phát triển du lịch địa chất, ông Trần Tân Văn, Trung tâm Karst và Di sản Địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, du lịch địa chất là một loại hình du lịch văn hóa-sinh thái mới, có thể phát triển ở những khu vực có các đặc điểm, giá trị địa chất quan trọng, được khai thác nhằm làm giàu thêm nội dung, nâng cao chất lượng du lịch nói chung và đặc biệt là thu hút những du khách quan tâm đến những đặc điểm, giá trị này.
Đề cập đến phát triển du lịch địa chất trong phạm vi ba công viên địa chất toàn cầu, cũng như việc liên kết các tỉnh tương ứng, hiện tại hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đang xây dựng tuyến tham quan kết nối công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng, giữa một đầu là huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) và đầu kia là các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng). Tour du lịch này sẽ chạy qua đèo 14 tầng Khau Cốc Chà nổi tiếng. Tương tự như vậy, công viên Non nước Cao Bằng và công viên địa chất Lạng Sơn cũng đang có kế hoạch phát triển tuyến tham quan kết nối, có thể giữa huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) và các huyện Tràng Định, Văn Lãng, Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn). Trong tương lai, hoàn toàn có thể nghĩ đến việc kết nối giữa công viên địa chất Lạng Sơn với vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà theo Quốc lộ 4B qua các huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), Tiên Yên, Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Tương tự, nếu công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn mở rộng về phía tây, kết nối huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), huyện Na Hang-Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang), huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) hoặc Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) hình thành tour du lịch địa chất khép kín với nhiều tuyến nhánh nội tỉnh, nội huyện qua hầu hết các tỉnh Đông Bắc, đồng thời kết nối với Thủ đô Hà Nội và với các địa phương khác trong cả nước, cũng như Trung Quốc…
Để du lịch vùng Đông Bắc phát triển, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các tỉnh cần thúc đẩy liên kết hơn nữa, dành nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối tuyến du lịch nội vùng và ngoại vùng, tạo nên sản phẩm mang tính cạnh tranh và phát huy lợi thế vùng. Theo trục không gian phát triển Đông Bắc-Hà Nội qua Quốc lộ 4A rất thuận lợi; từ Hà Nội kết nối các tỉnh trong vùng qua đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, Quốc lộ 3 kết nối Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn-Cao Bằng, Quốc lộ 2 nối Hà Giang-Tuyên Quang-Phú Thọ-Hà Nội và Quốc lộ 1 nối Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác hai không gian trọng điểm trong vùng là Hà Giang-Tuyên Quang-Thái Nguyên và Cao Bằng-Bắc Cạn-Lạng Sơn-Bắc Giang. Đầu tư tôn tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử theo nguyên tắc bảo tồn nguyên gốc di sản, không nên để diễn ra tình trạng phá cũ, xây mới rất nguy hiểm đối với phát triển du lịch. Về sản phẩm du lịch đặc trưng cần dựa trên đặc thù riêng có, vùng ưu tiên du lịch về nguồn, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch công viên địa chất…, trong đó, các tỉnh vùng Đông Bắc chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
Trong bối cảnh các địa phương chú trọng thúc đẩy kinh tế du lịch, nâng cấp các điểm đến du lịch, các tỉnh vùng Đông Bắc cần hướng tới khai thác hiệu quả sự nổi trội về tài nguyên du lịch từng địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng nhằm xây dựng thương hiệu du lịch chung, để du lịch vùng Đông Bắc là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Theo nhandan.vn
Nguồn Lạng Sơn : https://baolangson.vn/tao-dung-thuong-hieu-du-lich-vung-dong-bac-5030227.html