Tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số

Tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số
8 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Xây dựng quy trình, thủ tục thuận lợi nhất cho công nghiệp công nghệ số
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dự án Luật được xây dựng để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay…
Đồng thời, tại dự án Luật này cũng đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số, trong đó có một số cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
“Xây dựng Luật với các cơ chế, chính sách ưu đãi, quy trình, thủ tục thuận lợi nhất cho ngành công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số, thúc đẩy Make in Viet Nam, tuy nhiên, vẫn bảo đảm không làm thay đổi trách nhiệm, không chồng lấn chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành theo lĩnh vực được phân công”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 Chương, 73 Điều, trong đó có Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số (từ Điều 8 đến Điều 43); Chương III. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số (từ Điều 44 đến Điều 48); Chương IV. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (từ Điều 49 đến Điều 59); Chương V. Công nghiệp bán dẫn (từ Điều 60 đến Điều 63); Chương VI. Trí tuệ nhân tạo (từ Điều 64 đến Điều 68); Chương VII. Quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số (từ Điều 69 và Điều 70); Chương VIII. Điều khoản thi hành (từ Điều 71 đến Điều 73).
Về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, dự thảo Luật đã quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Về phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như: hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số Quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; trung tâm/viện nghiên cứu phát triển; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương.
Về tài sản số, tài sản mã hóa, do tài sản số là tài sản vô hình, trong quản lý phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các quy trình quản lý, công nghệ và con người; bảo đảm tính toàn vẹn và xác thực; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, quản lý rủi ro; bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; có thể chuyển giao, tương thích với các hệ thống khác; quản lý theo vòng đời; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ pháp luật và hỗ trợ phát triển bền vững.
Do đó, dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.
Chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám này. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật có liên quan, nâng cao tính quy phạm của các chế định trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử…
Để dự thảo Luật có tính khả thi cao, bảo đảm tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Công nghệ thông tin; nghiên cứu và chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật Công nghệ thông tin vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số; hoặc sau khi Luật này có hiệu lực, tiếp tục rà soát các quy định có hiệu lực còn lại của Luật Công nghệ thông tin để sớm xây dựng văn bản mới thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin.
Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy lưu ý, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như nghiên cứu triển khai (R&D), hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết phát triển hệ sinh thái.
Về tài sản số, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc quy định về tài sản số trong Luật này là cần thiết.
Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.
Thanh Hải
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-ro-rang-dac-biet-cho-cac-san-pham-dich-vu-cong-nghe-so-post397224.html