Tạo môi trường, khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tạo môi trường, khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
9 giờ trướcBài gốc
Nhiều điểm mới
Các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về sự cần thiết xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự án Luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa khóa XII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Việc xây dựng dự án Luật còn nhằm thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, tạo môi trường, khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh điều hành phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh
Theo ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), dự án Luật cũng có nhiều điểm mới hơn so với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.
Ví dụ, đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư bao gồm: doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn đầu tư khác; Nhà nước không quản lý pháp danh doanh nghiệp mà chỉ quản lý dòng vốn vào doanh nghiệp, sự phân công rõ ràng, phân cấp mạnh về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp....
Về cơ bản, nội dung dự án Luật đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của Luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đối mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Về đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho biết, hiện nay, trong dự thảo Luật chỉ quy định đối với những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Thực tế tại Việt Nam còn có những loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 50% vốn điều lệ doanh nghiệp và doanh nghiệp dưới 50% vốn điều lệ. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để bao quát hết các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.
Về hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại khoản 8 Điều 6 quy định vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 6 như sau: "Vi phạm các quy định gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và nhà nước".
Thực tế, các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, do vậy trong quá trình hoạt động sẽ khó tránh những thiệt hại nhỏ do yếu tố khách quan gây ra. Do vậy, đề nghị chỉ nên quy định khi gây thiệt hại nghiêm trọng để linh hoạt trong quá trình quản lý doanh nghiệp.
Khái niệm về tài sản số còn mơ hồ, chưa rõ
Góp ý về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, quy định trong dự thảo Luật về khái niệm tài sản số còn mơ hồ, khó hình dung. Đại biểu cũng chia sẻ băn khoăn về một số tài khoản mạng xã hội, tài khoản internet, tài khoản chơi game… có được coi là tài số hay không? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để nêu rõ khái niệm rõ ràng, cụ thể hơn.
ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Về tên gọi tại Chương II, Mục 5 là Tiêu chuẩn hóa và chứng nhận chưa phù hợp với tên gọi và nội dung các Điều 20 về thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong hoạt động công nghiệp công nghệ số và Điều 21 về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại mục này. ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) đề nghị chỉnh sửa lại tên gọi, nội dung cho phù hợp.
ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Cũng tại Mục 9, Chương II quy định Nguồn tài chính trong đó chỉ có một điều duy nhất là Điều 31 quy định về nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp công nghệ số là chưa phù hợp. Trong khi các mục của Chương II cũng quy định liên quan đến tài chính như Điều 19 mục 4, Điều 41 mục 12, Điều 43 mục 13. Do đó, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị nghiên cứu, thống nhất theo hướng chỉ quy định một điều chung hoặc thành các điều riêng và bỏ Điều 31.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Tiến Nam, dự thảo Luật có hơn 10 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết là quá nhiều; đồng thời đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem có điều khoản nào cụ thể được thì cụ thể luôn trong Luật để dễ áp dụng, thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị, tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, dự thảo Luật Dữ liệu... để chỉnh sửa cho phù hợp; bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quang Khánh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tao-moi-truong-khung-phap-ly-day-du-on-dinh-cho-hoat-dong-quan-ly-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-post397234.html