Thưa ông việc sáp nhập các đơn vị hành chính gần đây có tác động đến công tác giảm nghèo ở các vùng lõi không?.
Ông Nguyễn Lê Bình: Về bản chất, người dân nghèo sống ở vùng khó khăn không thay đổi. Việc sáp nhập tạo nên cả thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi: Bộ máy hành chính tinh gọn hơn, chính quyền gần dân hơn. Chính sách từ trung ương đến xã sẽ trực diện hơn, người dân cũng dễ nắm bắt và hiểu rõ vấn đề hơn.
Ông Nguyễn Lê Bình - Phó chánh văn phòng Quốc gia giảm nghèo. Ảnh: Tạ Nguyệt.
Bên cạnh đó, các chương trình cũng đối diện với nhiều những khó khăn như: Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có sự thay đổi và có thể sẽ ít hơn. Một cán bộ xã phải phụ trách nhiều lĩnh vực, trong khi địa bàn lại rộng hơn, số người nghèo nhiều hơn.
Tuy nhiên, với quyết tâm của Đảng, Chính phủ và sự thay đổi trong cách tiếp cận, tôi tin rằng công cuộc giảm nghèo thời gian tới sẽ có những thành công mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tập trung vào vùng đặc biệt khó khăn, ông có thể chia sẻ tại sao chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo lại đặt mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới là giảm nghèo ở vùng lõi? Tiêu chí nào để đánh giá một địa phương là vùng lõi nghèo và hiện nay ở Việt Nam có bao nhiêu vùng lõi nghèo?.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tập trung vào vùng đặc biệt khó khăn theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đây là những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế.
Tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng lõi nghèo. Ảnh: M.H
Để xác định các địa bàn này, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 36, quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Trong giao tiếp thông thường, chúng ta hay gọi đây là "vùng lõi nghèo".
Hiện nay, chúng ta xác định có 74 huyện nghèo; 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (thuộc chương trình giảm nghèo); Gần 2.000 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Ở góc độ cơ quan quản lý, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ giải quyết những tồn đọng ở vùng lõi nghèo như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Chính sách giảm nghèo có hai phần: chính sách thường xuyên (hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế, tiền điện...) sẽ tiếp tục được thực hiện. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi sẽ tập trung vào hai vấn đề chính: nội dung chương trình và cơ chế triển khai.
Để giải quyết chồng chéo, định hướng từ trung ương sẽ tập trung vào một chương trình để giải quyết vấn đề nghèo đói. Ví dụ, chương trình giảm nghèo (có thể kết hợp nông thôn mới) sẽ giải quyết vấn đề nghèo, còn chương trình dân tộc thiểu số sẽ giải quyết các vấn đề đặc thù của đồng bào.
Diện mạo mới vùng DTTS và miền núi. Ảnh: Ngọc Chí.
Về giải pháp, chúng tôi tiếp tục quan tâm đến sinh kế, nâng cao thu nhập và năng lực cho người dân thông qua giáo dục, đào tạo nghề, nâng cao nhận thức về thị trường.
Trong giai đoạn 2026-2030, tôi nghĩ chương trình sẽ không chỉ hướng đến giảm nghèo mà còn hướng đến hạnh phúc của người dân. Khi người dân cảm thấy hạnh phúc, gắn bó với cộng đồng, họ sẽ có động lực để tự vươn lên. Điều này bao hàm cả việc giải quyết các vấn đề về vật chất, văn hóa và tâm lý.
Về cơ chế, giai đoạn 2021-2025 chúng ta đã phân cấp, phân quyền rất nhiều. Dù ban đầu địa phương còn lúng túng, nhưng cơ chế đã được cởi mở. Giai đoạn tới sẽ tiếp tục theo hướng này. Với chính quyền mới, tâm thế mới và công nghệ hiện nay, tôi tin rằng các địa phương sẽ thành công.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Khanh Lê (Ghi)