Tây Ninh sẽ thành 'thỏi nam châm' hút vốn nếu gỡ được điểm nghẽn

Tây Ninh sẽ thành 'thỏi nam châm' hút vốn nếu gỡ được điểm nghẽn
7 giờ trướcBài gốc
Quy mô lớn, thử thách không nhỏ
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh, sau sáp nhập, toàn tỉnh đã quy hoạch tổng cộng 82 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích hơn 4.572ha. Trong đó, phần lớn là các CCN được chuyển tiếp từ địa bàn tỉnh Long An cũ (72 CCN, gần 4.000ha), còn lại là 10 CCN thuộc Tây Ninh cũ (hơn 583ha).
Đáng chú ý, đã có 22 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.068ha, thu hút 513 dự án, đạt tỉ lệ lấp đầy 81% trên diện tích quy hoạch, và 92% trên diện tích hạ tầng hoàn thiện con số cho thấy sức hút lớn của Tây Ninh trong mắt nhà đầu tư.
Tuy nhiên, quỹ đất còn lại chỉ khoảng 43ha, phản ánh nhu cầu bức thiết về mở rộng và đầu tư hạ tầng mới.
Khu công nghiệp Xuyên Án quy mô 302,4ha (xã Đức Lập, Tây Ninh).
Song song đó, 27 CCN với diện tích 1.428ha đang trong giai đoạn triển khai thủ tục đầu tư và xây dựng hạ tầng, hứa hẹn sẽ bổ sung nguồn cung quan trọng cho ngành công nghiệp địa phương. Còn lại 33 CCN chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 31 CCN mới quy hoạch giai đoạn 2021–2030 đang được xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, làn sóng nhà đầu tư hạ tầng đang dịch chuyển mạnh về Tây Ninh. Đã có 17 CCN có nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất làm chủ đầu tư, phân bố tại các xã Tân Long, Tân Tây, Mỹ Quý, Nhựt Tảo, Cần Đước, Hiệp Hòa, An Ninh, Tân Hội… Trong số này, 15 dự án đã được cấp huyện cũ thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, hiện đang được Sở Tài chính thẩm định theo quy định.
Dù tín hiệu đầu tư rất khả quan, nhưng theo đại diện Sở Công Thương Tây Ninh cho biết, nhiều CCN vẫn đang vướng mắc lớn đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thủ tục pháp lý.
Một số CCN được hình thành từ trước khi có quy chế quản lý cụ thể, hoặc nằm trong diện điều chỉnh quy hoạch, khiến thực trạng hiện hữu không còn phù hợp với quy định hiện hành, dẫn đến việc triển khai gặp không ít khó khăn.
Đơn cử như CCN Hoàng Gia, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, công tác giải phóng mặt bằng còn dang dở, hạ tầng chưa đầu tư đồng bộ, khiến nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư hoặc phải chờ đợi để được bố trí đất sản xuất.
Khu công nghiệp Trảng Bàng với quy mô gần 190ha (phường Lộc Hưng, Tây Ninh).
Một số dự án CCN đang triển khai cũng liên tục xin gia hạn tiến độ do vướng mắc trong thu hồi đất, chậm trễ giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính và tổ chức thi công của một số nhà đầu tư hạ tầng còn hạn chế, thậm chí xuất hiện tình trạng "đầu tư lướt sóng" qua việc chuyển nhượng dự án bằng cách đổi người đại diện pháp luật.
Trước thực trạng này, Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan siết chặt công tác quản lý đầu tư ngoài ngân sách, đảm bảo các dự án thực hiện đúng chủ trương, đúng pháp luật. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư.
Những nỗ lực này bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Tây Ninh đã ghi nhận hơn 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 1.200 doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký, và 75 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 37.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký lên đến 911.935 tỷ đồng. Trong đó, 23.000 doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, với tổng vốn hơn 761.000 tỷ đồng cho thấy nền kinh tế địa phương đang phục hồi mạnh mẽ và chuyển mình rõ rệt sau sáp nhập.
Hướng tới mô hình công nghiệp bền vững
Tại buổi làm việc mới đây với Sở Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh ghi nhận tinh thần chủ động, linh hoạt của ngành Công Thương trong bối cảnh tái cơ cấu hành chính sau sáp nhập.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Văn Quang Hùng, dù đạt nhiều kết quả tích cực, ngành vẫn đối mặt không ít khó khăn: giải phóng mặt bằng chậm tại các CCN, hạn chế quỹ đất sạch thu hút đầu tư vào logistics, vướng mắc trong quản lý an toàn thực phẩm, cùng những bất cập liên quan quy hoạch kho xăng dầu, điện mặt trời, điện áp mái…
Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - ông Nguyễn Hồng Thanh làm việc với Sở Công Thương.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hồng Thanh nhấn mạnh vai trò của Sở Công Thương trong vận hành tỉnh mới, đồng thời yêu cầu tiếp tục tháo gỡ hiệu quả các điểm nghẽn hiện hữu, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại trong năm 2025.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị ngành Công Thương ưu tiên triển khai mô hình đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất – thương mại, tăng cường quản lý thị trường và kiểm soát chất lượng hàng hóa, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Tây Ninh đã ghi nhận hơn 1.600 doanh nghiệp thành lập mới.
TS Lê Văn Nam (chuyên gia kinh tế Trường ĐHQG Tp.HCM) cho biết, việc quy hoạch hơn 4.500ha CCN là bước đi chiến lược để Tây Ninh đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng lợi thế địa lý liền kề Tp.HCM và Campuchia.
Tuy nhiên, bài toán lớn nhất không chỉ là thu hút nhà đầu tư, mà còn là đảm bảo tiến độ, pháp lý và chất lượng hạ tầng nếu không muốn rơi vào cảnh "quy hoạch trên giấy".
Giới chuyên môn nhận định, mô hình CCN là giải pháp phù hợp với những địa phương có diện tích không quá lớn, nhưng muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp vừa – nhỏ. Tây Ninh đang đi đúng hướng, nhưng muốn tạo đột phá thực sự, cần sự đồng bộ giữa quy hoạch và cơ chế đầu tư.
"Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh phía Nam ngày càng gay gắt, Tây Ninh không chỉ cần "trải thảm đỏ", mà còn phải "trải nhựa thật sự" tức là xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, pháp lý minh bạch, môi trường đầu tư thông thoáng.
Từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống, Tây Ninh đang chuyển mình mạnh mẽ thành địa bàn công nghiệp trọng điểm, với tốc độ đô thị hóa nhanh và lực lượng lao động trẻ dồi dào.
Nếu tháo gỡ tốt những điểm nghẽn hiện hữu, các cụm công nghiệp không chỉ là "thỏi nam châm" hút dòng vốn, mà còn tạo việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và nâng cao chất lượng tăng trưởng bền vững", TS Nam nhận định.
Đại diện Công ty TNHH Mirror, đang hoạt động tại Khu công nghiệp Đức Hòa (Tây Ninh) cho biết, công ty đánh giá cao nỗ lực của chính quyền tỉnh, đặc biệt là ngành Công Thương, trong việc chủ động tái cơ cấu và định hướng phát triển công nghiệp một cách bài bản sau sáp nhập.
Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các khu – cụm công nghiệp vẫn còn một số điểm nghẽn cần tháo gỡ. Cụ thể, hạ tầng kết nối giao thông liên vùng còn chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến chi phí logistics và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, tiến độ cấp phép đầu tư, nhất là với các hạng mục phụ trợ như kho bãi, nhà xưởng dịch vụ, còn khá chậm so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Chúng tôi kỳ vọng tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định dự án, đồng thời tăng cường đối thoại trực tiếp giữa các sở ngành với doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời những khó khăn phát sinh trong vận hành thực tế.
Tây Ninh có vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ dồi dào và môi trường đầu tư đang cải thiện rõ nét đó là nền tảng thuận lợi. Nhưng để giữ chân và đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp, thì yếu tố ‘thực chất’ trong hạ tầng, pháp lý và cơ chế hỗ trợ vẫn là điều then chốt.
Đoàn Vũ.
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/tay-ninh-se-thanh-thoi-nam-cham-hut-von-neu-go-duoc-diem-nghen-204250718153940178.htm