Các chuyên gia quân sự ở Mỹ và Anh dự đoán rằng tên lửa siêu thanh Oreshnik của Nga sẽ ít có khả năng thay đổi cách tiếp cận của Moscow liên quan việc răn đe hạt nhân trong chiến sự ở Ukraine, tạp chí Newsweek đưa tin ngày 13-12.
Cuối tháng 11, Nga lần đầu tiên phóng tên lửa Oreshnik vào một nhà máy quốc phòng của Ukraine để đáp trả việc Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu tên lửa Oreshnik có tầm bắn lên tới 5.000 km và nhờ năng lực tiên tiến, “một lượng đủ” tên lửa loại này “thực sự có thể loại bỏ nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Ukraine trưng bày những bộ phận được cho là thuộc về quả tên lửa Oreshnik đã tấn công nhà máy quốc phòng tại TP Dnipro hôm 19-11. Ảnh: AFP
Vì là tên lửa tầm trung, Oreshnik không bị hạn chế sử dụng trong khuôn khổ hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START giữa Nga và Mỹ. Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt loại vũ khí mới này.
Không thay đổi khả năng răn đe của Nga
Ông John Erath - Giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân (Mỹ) - cho rằng tên lửa Oreshnik “hoàn toàn không” thay đổi các quy tắc chiến tranh hạt nhân của Nga.
Ông Erath lưu ý rằng tên lửa Oreshnik được phát triển với khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong khi Nga vốn “đã có khả năng đưa vũ khí hạt nhân đến bất cứ nơi nào họ muốn”.
“Vì vậy, nếu [tên lửa Oreshnik] được phóng về phía Tây Âu, thì đó rõ ràng là mối đe dọa hạt nhân. Bởi vì bạn không biết đầu đạn là gì cho đến khi nó chạm đất và phát nổ” - ông Erath nói.
Ông Erath cũng cho rằng việc Nga cập nhật học thuyết hạt nhân hồi tháng 11 là một “chiến thuật răn đe” nhưng tương tự việc công bố chương trình tên lửa Oreshnik, những cập nhật của Moscow “không quá quan trọng” vì những quy định mới có vẻ “đe dọa hơn một chút” trong khi tinh thần của vấn đề vẫn như cũ.
“Một lần nữa, [phương Tây] hãy xem xét [tên lửa Oreshnik] theo chiến lược chung của Nga là thuyết phục các quốc gia ủng hộ Ukraine rằng họ sẽ phải trả giá đắt hơn về mọi mặt nếu tiếp tục ủng hộ Ukraine so với việc nhanh chóng đạt được hòa bình và rút lui” – ông Erath nói.
Thiệt hại do đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga vào TP Dnipro hôm 21-11. Ảnh: REUTERS
Khó thay đổi đáng kể toan tính của Nga
Nghiên cứu viên cấp cao Sidharth Kaushal và trưởng nhóm chuyên gia khoa học quân sự Matthew Savill của Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cũng có nhận định tương tự ông Erath.
“Đối với Nga, các cuộc tấn công bằng hàng loạt máy bay không người lái và sự kết hợp của các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang lại sự đáp trả hoặc hình thức gây áp lực hữu ích nhất về mặt chiến thuật” – chuyên gia RUSI nhận định.
Do đó, hai chuyên gia Anh cho rằng việc sử dụng tên lửa Oreshnik “khó có thể thay đổi đáng kể” các tính toán của Nga về cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công tầm xa của các bên liên quan chiến sự ở Ukraine.
Hai chuyên gia Anh cho rằng vấn đề lớn hơn trong khả năng răn đe hạt nhân của Nga là “sự ổn định chiến lược rộng hơn”.
Hai chuyên gia này cho rằng Nga đang bị đặt vào thế lưỡng nan về leo thang hạt nhân khi các lằn ranh đỏ quan trọng có vẻ chưa bị bên nào vượt qua: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa công khai đưa quân tham chiến tại Ukraine, còn Nga chưa tấn công trực tiếp vào các thành viên NATO.
Phía Nga chưa có bình luận về nhận định của 3 chuyên gia trên.
VĂN KIẾM