Thả phao bảo vệ rạn san hô ở Vườn quốc gia Cát Bà

Thả phao bảo vệ rạn san hô ở Vườn quốc gia Cát Bà
3 giờ trướcBài gốc
Trong 2 ngày 28 và 29/11, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà, Tp.Hải Phòng, tổ chức tổng kết chương trình thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô tại VQG Cát Bà và thả thêm một số phao mới.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc VQG Cát Bà, cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tiến hành thả 40 phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô tại 3 khu vực Vạn Tà, Giỏ Cùng và Ba Đình.
Ngoài ra, trong hai năm 2023 và 2024, VQG Cát Bà phối hợp IUCN thiết lập hệ thống 23 phao neo phân vùng sinh thái rạn san hô tại một số khu vực có phân bố rạn san hô còn tốt cần được bảo vệ tại các khu vực Vạn Tà, Ba Đình, Giỏ Cùng và Cát Dứa với diện tích mặt biển khoảng 34 ha.
Ông Nguyễn Văn Thịu - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, thông tin về hoạt động thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô (Ảnh: Thái Phan).
Các phao được bàn giao cho các trạm kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Cát Bà quản lý, bảo vệ. Cán bộ kiểm lâm tiến hành tuần tra, kiểm soát tại các khu vực được thả phao trung bình 4 lượt/tháng và báo cáo theo tháng.
Số lượng phao neo được bảo dưỡng định kỳ 1 lần/1 năm bao gồm vệ sinh hàu, hà và các sinh vật ký sinh trên hệ thống dây và phao. Sơn lại hệ thống dây và phao, thay mới và lắp đặt lại hệ thống dây, phao theo số thứ tự đúng vị trí cố định ban đầu.
"Việc thả phao khoanh vùng sinh thái giúp rạn san hô được bảo vệ và phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão Yagi, 45 phao đã bị trôi. Hiện VQG Cát Bà đang phối hợp các lực lượng chức năng liên quan lắp lại. Trong đó, từ tháng 10/2024 đến nay, IUCN đã hỗ trợ VQG Cát Bà thả 5 quả phao tại các vị trí có hoạt động của ngư dân và du lịch sinh thái", ông Nguyễn Văn Thịu nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Ngải - Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển, việc thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô tại VQG Cát Bà là cần thiết. Thời gian qua, các phao đã góp phần bảo vệ rạn san hô cũng như tạo môi trường để chúng phát triển.
Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà phối hợp thả phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô (Ảnh: Vườn quốc gia Cát Bà).
Ông Nguyễn Đăng Ngải cho rằng, số lượng phao đã được thả quá ít so với diện tích mặt biển của VQG Cát Bà. Đặc biệt, nhiều phao đã bị bão Yagi cuốn trôi. Vì vậy, ông Ngải đề xuất IUCN kêu gọi các nhà tài trợ thả thêm phao khoanh vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô tại VQG Cát Bà. Đồng thời, có sự đánh giá tác động của bão Yagi đối với rạn san hô ở đây.
Từ năm 2021 - 2022, VQG Cát Bà phối IUCN triển khai thực hiện chương trình "Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại VQG Cát Bà" do Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (THFC) tài trợ.
Sau 2 năm thực hiện chương trình giám sát rạn san hô tại 3 điểm Giỏ Cùng, Vạn Tà và Ba Đình, kết quả cho thấy sức khỏe các rạn san hô ở VQG Cát Bà ở mức trung bình.
Ngoài ra, độ phủ trung bình của các rạn san hô đều tăng, nhưng tăng trưởng chậm, chứng tỏ đang có sự phục hồi tích cực. Thành phần loài san hô ở một số khu vực có đa dạng thấp và không có sự thay đổi so với các đợt giám sát trước đó.
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/tha-phao-bao-ve-ran-san-ho-o-vuon-quoc-gia-cat-ba-204241129153515812.htm