'Thảm họa' giông lốc ở vịnh Hạ Long: 'Trách nhiệm của cả hệ sinh thái du lịch'

'Thảm họa' giông lốc ở vịnh Hạ Long: 'Trách nhiệm của cả hệ sinh thái du lịch'
5 giờ trướcBài gốc
Vịnh Hạ Long một chiều sóng yên biển lặng. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
“Thảm họa” từ giông lốc quét qua vùng biển vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) chiều qua, ngày 19/7 khiến con tàu du lịch Vịnh Xanh 58 (QN‑7105) lật úp đã để lại những nỗi đau, mất mát lớn và bài học vô cùng đắt giá.
Điều đáng nói, tuy là sự cố hy hữu nhưng đã gióng lên hồi chuông không chỉ về tính bất thường của thời tiết biển, khả năng thoát nạn mà còn là tính tuân thủ trước cảnh báo của cả người dân lẫn các cơ quan hữu quan.
Trước tình huống này, các chuyên gia du lịch lưu ý gì?
Sự cố nhỏ, hậu quả lớn
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm du lịch, đặc biệt từng vận hành công ty du lịch mạo hiểm ActiveTravel Asia gần 12 năm ở những nơi địa hình phức tạp từ rừng núi Hà Giang, Vịnh Hạ Long đến sông nước Mekong hay các hòn đảo ngoài khơi xa, CEO Mekong Rustic, ông Nguyễn Ngọc Bích, rút ra rằng mỗi chuyến đi chỉ có ý nghĩa nếu bạn có thể trở về an toàn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích: “Nhiều người nghĩ tai nạn chỉ xảy ra ở những hành trình xa xôi, hiểm trở, nhưng thực tế, nguy cơ xảy ra ngay cả trên một chuyến đi vịnh Hạ Long, chèo thuyền thúng ở Hội An, hay tham gia tour island-hopping ngoài Phú Quốc. Nhất là với du khách không có kỹ năng sinh tồn hoặc chưa từng qua bất kỳ buổi huấn luyện nào, thì mọi sự cố dù nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.”
Từ sự cố lật tàu ở Vịnh Hạ Long vừa qua, vị chuyên gia nhấn mạnh điều cốt lõi để có một trải nghiệm an toàn nói riêng cũng như vận hành một công ty du lịch mạo hiểm nói chung, trước hết cần một quy trình an toàn và nhấn mạnh đây không phải là lựa chọn.
Ông Phạm Đức Ấn (ngoài cùng bên phải), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan có mặt trực tiếp tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
“Tại công ty của chúng tôi, không có hoạt động nào được phép khởi hành nếu thiếu bước kiểm tra an toàn, dù là tour trekking xuyên rừng 2 ngày hay tour kayak trong 2 giờ. Điều này không phải để tuân thủ luật, mà vì mỗi người tham gia tour là một sinh mệnh, không thể ‘test’ sai dù chỉ 1%,” ông Nguyễn Ngọc Bích cho hay.
“Chúng tôi từng gặp những du khách đến từ thành phố lớn chưa bao giờ bơi, không biết đọc bản đồ, và chưa từng mặc áo phao trong đời. Có người còn tưởng chỉ cần biết ‘bơi chó’ là đủ sống sót ngoài khơi…,” CEO Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ.
Vì vậy, theo CEO này, mọi tour biển, từ đi tàu, thuyền thúng, kayak, đến lặn ngắm san hô đều cần bắt đầu bằng 15 phút huấn luyện cơ bản: Cách kiểm tra áo phao hoạt động; làm gì khi bị lật thuyền; ra hiệu cầu cứu bằng tay hoặc ánh sáng; nguyên tắc “cứu mình trước – không hoảng loạn.”
Ở doanh nghiệp Mekong Rustic, mỗi năm ban lãnh đạo công ty đều tổ chức diễn tập tình huống khẩn cấp thật sự, có cứu hộ, có “người đóng vai nạn nhân,” có hỗ trợ y tế và báo cáo sau diễn tập. Bởi họ luôn tuân thủ “Không có mô phỏng = không có phản xạ.” Vì khi sự cố thật xảy ra, con người không hành động theo lý trí mà theo phản xạ đã được luyện trước đó.
Lúc 2 giờ ngày 20/7, lực lượng chức năng thực hiện bơm hút nước trong tàu để tiến hành lai dắt về bờ. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Những lưu ý cần tuân thủ
Hơn 25 năm gắn bó với những tuyến du lịch đường biển và vận hành những con tàu du lịch cỡ lớn, Chủ tịch LuxGroup, ông Phạm Hà lưu ý rằng phía đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần thông tin rõ hành trình cho du khách như đi trong bao lâu, tới những nơi nào, họ sẽ được tận hưởng điều gì và cả những lưu ý cần tránh.
“Trước khi tàu khởi hành, nhân viên của chúng tôi sẽ phổ biến các quy tắc an toàn cơ bản, giới thiệu rủi ro tiềm ẩn tại khu vực hoạt động, và du khách nên lắng nghe kỹ cũng như ghi nhớ vị trí các thiết bị cứu sinh, đường thoát hiểm và khu vực cấm ra vào. Trong mọi tình huống bất thường, cần bình tĩnh và làm theo chỉ dẫn,” ông Phạm Hà cho hay.
“Người nào giữ được sự bình tĩnh trong những phút đầu tiên, người đó nắm tới 70% cơ hội sống sót.”
Cat Bigney, chuyên gia sinh tồn Mỹ.
Trên tất cả các tàu du lịch, áo phao luôn được trang bị sẵn tại khoang nghỉ và khu vực boong, du khách nên mặc áo phao khi tàu di chuyển, đặc biệt khi tham gia các hoạt động như chèo kayak, lên thuyền nan hoặc bơi ở vùng nước sâu.
Tuy nhiên, ông Phạm Hà lưu ý du khách “không mặc áo phao khi ở trên những tàu, thuyền khoang kín, vì khi nước tràn vào sẽ làm nổi người gây khó khăn trong quá trình di chuyển và thoát hiểm.”
Trong đội vận hành tour của CEO Nguyễn Ngọc Bích, mỗi hướng dẫn viên để được dẫn đoàn: Bắt buộc đã từng tham gia khóa sơ cấp cứu quốc tế; tối thiểu 1 người mang theo thiết bị định vị GPS hoặc bộ phát tín hiệu SOS; có sẵn đèn pin, bộ sơ cứu, bản đồ địa hình và danh sách y tế khẩn cấp. Ngay cả khi khách không mang gì theo, các hướng dẫn viên vẫn cần có đủ thiết bị cho cả đoàn trong tình huống xấu nhất.
Đảm bảo an toàn với áo phao khi trải nghiệm chèo kayak trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
“Chúng tôi dạy khách những điều không ai dạy họ. Bởi thực tế, nhiều khách không biết cách giữ nhiệt cơ thể khi ngâm nước lâu, cách phát tín hiệu cứu hộ khi không có sóng điện thoại, cách ‘nhịn đói an toàn’ trong 6-12 tiếng, khi nào nên di chuyển tìm cứu hộ/ khi nào nên ở yên và tiết kiệm năng lượng… Vậy nên trước mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn gửi tài liệu hướng dẫn an toàn ngắn gọn (bằng 2 thứ tiếng) và dành 5-10 phút ‘chỉ mặt - gọi tên’ các tình huống giả định. Không dọa nạt, đây chỉ là cách chúng tôi giúp bạn sống sót,” CEO Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng gửi gắm đến các nhà tổ chức tour đừng bao giờ đánh đổi sự an toàn để đổi lấy trải nghiệm “wow,” hãy làm đúng và đừng bao giờ cho phép mình sai dù chỉ một lần.
“Với mỗi du khách, đừng chủ quan, hãy lắng nghe, hợp tác, và hỏi khi bạn chưa hiểu rõ. Bởi chúng ta không mong rủi ro xảy ra, nhưng nếu nó đến, chính sự chuẩn bị trước đó là thứ duy nhất quyết định bạn và người thân có thể trở về hay không. An toàn không phải là công việc của một người mà là trách nhiệm của cả một hệ sinh thái du lịch,” CEO Nguyễn Ngọc Bích nhấn mạnh./.
Tính đến 11h ngày 20/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy 45 nạn nhân, trong đó 10 người sống sót và 35 người không qua khỏi.
Tỉnh Quảng Ninh cho biết trên tàu có 49 người, không phải 53 như thông tin ban đầu. Như vậy, còn 4 người mất tích.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/tham-hoa-giong-loc-o-vinh-ha-long-trach-nhiem-cua-ca-he-sinh-thai-du-lich-post1050653.vnp