Theo Cục Trồng trọt, Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, thuộc Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm tất cả các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trừ tỉnh Bến Tre. Thông qua triển khai Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại một số hợp tác xã sản xuất lúa của các tỉnh: Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ đã góp phần giảm giống lúa gieo sạ từ 30 - 50%/ha; giảm từ 30 - 70kg đạm/ha; giảm từ 1 - 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa sau thu hoạch tăng từ 3.9 - 13.7% (vụ Hè - Thu); lợi nhuận tăng từ 13 - 18 triệu đồng/ha và giảm ít nhất 2 tấn CO2 (phát thải khí nhà kính) cho 1ha.
Đại biểu tham dự buổi tham vấn. Ảnh: THÚY LIỄU
Tại hội nghị, các đại biểu đã thông tin về kết quả thực hiện Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; kế hoạch nhân rộng mô hình 1 triệu ha lúa tại địa phương. Để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, các tỉnh, thành mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về kinh phí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) về xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng triển khai đề án; kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch; liên kết sản xuất, tiêu thụ từ đầu vào đến đầu ra cho lúa vùng đề án; tăng cường công tác tuyên truyền của cơ quan nhà nước về chương trình 1 triệu ha lúa… tại tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Tập trung giải quyết và mô phỏng phương pháp canh tác lúa, đến năm 2050 phát thải khí nhà kính là zero (0). IRRI cũng chia sẻ là sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương thực hiện hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao…
Phát biểu tại buổi tham vấn, đồng chí Lê Thanh Tùng lưu ý các địa phương cần tập trung thực hiện các dữ liệu khi được ngành chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Phía Cục Trồng trọt sẽ đưa ra các quy trình cho các địa phương áp dụng theo từng vùng, địa phương khác nhau để phù hợp điều kiện canh tác lúa. Trong hợp phần Đề án sẽ có các thiết kế đồng ruộng; tập huấn sản xuất cho nông dân tham gia. Vận hành đồng bộ hết kết quả kỹ thuật canh tác để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa tạo sự tuần hoàn trong canh tác lúa… Từ đó, sẽ góp phần thay đổi đời sống người dân khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã trao tặng giấy khen cho đồng chí Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, vì đã góp phần tích cực cho Sóc Trăng trong canh tác lúa né hạn, mặn…
THÚY LIỄU