Ngày 20/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành công điện số 19-CĐ/TU về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 3.
5.755 phương tiện tàu thuyền tại Thanh Hóa đã về nơi neo đậu an toàn, tính đến sáng 20/7. Ảnh: Thái Thanh
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ ứng phó theo phương châm '4 tại chỗ'.
Đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, cập nhật, kích hoạt ngay các phương án ứng phó sát với tình hình từng địa bàn; đảm bảo đồng bộ, thống nhất, không bị động, bất ngờ.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền trên biển và ven bờ, kiên quyết đưa về nơi tránh trú an toàn, nghiêm cấm ra khơi khi không đảm bảo điều kiện; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn.
Hơn 800 tàu thuyền Thanh Hóa vẫn đang hoạt động trên biển. Ảnh: Đình Minh
Yêu cầu kiểm tra, gia cố, bảo vệ an toàn các công trình trọng yếu như hồ đập, đê điều, trụ sở, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống hạ tầng điện, nước, viễn thông, giao thông. Khẩn trương xây dựng phương án tiêu thoát nước, chống ngập úng tại đô thị, vùng sản xuất và các khu vực trũng thấp; vận hành các trạm bơm tiêu phù hợp với tình hình thời tiết.
Các công trình đê điều, hồ đập bị hư hỏng cần được sửa chữa kịp thời; tổ chức trực canh 24/24 tại các điểm xung yếu, khu vực nguy hiểm như ngầm tràn, đường sạt lở, nước chảy xiết; chủ động căng dây, cắm biển cảnh báo, cấm người và phương tiện qua lại khi không an toàn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để khắc phục sự cố, thông tuyến nhanh các trục giao thông chính khi bị chia cắt.
Các sở, ngành liên quan chủ động triển khai nhiệm vụ theo lĩnh vực được giao, đảm bảo an toàn hồ chứa, thủy điện, lưới điện, giao thông, nhà ở, công trình xây dựng và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân.
Công an xã Vạn Lộc kêu gọi các thuyền viên tìm nơi tránh trú bão an toàn sáng 20/7. Ảnh: Thái Thanh
Lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng xây dựng phương án ứng phó cụ thể, bố trí lực lượng sẵn sàng cơ động, cứu hộ, hỗ trợ sơ tán dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt.
Ban Thường vụ Đảng ủy các xã, phường, nhất là vùng ven biển, miền núi, trũng thấp cần bám sát địa bàn, chỉ đạo triển khai kịch bản ứng phó phù hợp; tuyên truyền, cảnh báo người dân, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch sơ tán bắt buộc đối với người dân tại các khu vực nguy cơ cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, đồng thời chuẩn bị nơi ở tạm, lương thực, nước sạch, thuốc men thiết yếu.
Lương thực, nước sạch, thuốc men tại các địa phương ở Thanh Hóa đã được chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ người dân. Ảnh: Đình Minh
Có kế hoạch cụ thể, đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng, điểm lưu trú ven biển; chủ động thông báo, hướng dẫn ứng phó, tránh phát sinh tình huống phức tạp.
Các thành viên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách địa bàn, lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó tại cơ sở, xử lý kịp thời khó khăn, không để xảy ra bị động, phát sinh điểm nóng.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20/7, toàn tỉnh đã gieo trồng được 143.240/152.000 ha cây trồng vụ mùa, đạt 94,2% kế hoạch; trong 610 hồ chứa nước thủy lợi, có 277 hồ đã đầy nước, 333 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường.
Đến 10h ngày 20/7, các địa phương trong tỉnh đã xác định được 42 trọng điểm xung yếu về đê điều, 57 hồ chứa nước không bảo đảm an toàn.
Theo thống kê, có 5.755/6.555 phương tiện đã và đang neo đậu tại bến với 16.606 lao động đã về nơi tránh trú an toàn. Hiện tại, còn 800 phương tiện, 3.974 lao động đang hoạt động trên biển.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Thanh Hóa, mưa lớn kèm dông lốc vào tối 19/7 đã khiến lưới điện trung, hạ thế tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh xảy ra sự cố, hơn 82.000 khách hàng bị gián đoạn cung cấp điện.
Đến 7h sáng ngày 20/7, còn 7.577 khách hàng đang chờ được cấp điện trở lại. Lưới điện trung áp bị sự cố tại 21 điểm, với 2 đường dây trung áp và 5 cột điện bị gãy đổ. Ngoài ra, một số cột hạ áp bị sạt lở, nghiêng và rạn nứt. Ước tính thiệt hại khoảng 880 triệu đồng.
Công ty Điện lực Thanh Hóa dự kiến, đến 16h ngày 20/7, toàn bộ sự cố sẽ được xử lý xong, khôi phục phương thức kết dây ban đầu để cấp điện trở lại cho tất cả khách hàng.
Đình Minh