Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Phùng Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Năm 2024, công tác dự báo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt. Tổng diện tích lúa gieo sạ cả năm hơn 45.400ha, đạt 113% kế hoạch. Năng suất bình quân đạt 5,9 tấn/ha, sản lượng hơn 270.000 tấn, đạt 117,6% kế hoạch.
Trong năm, huyện triển khai, thực hiện được 18 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, với 1.000ha; 6 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh, với 128ha. Các loại cây trồng khác như khoai mỡ, chanh, dưa hấu, mít, sầu riêng,… đều tăng diện tích so cùng kỳ.
Theo kế hoạch, năm 2025, tổng diện tích lúa gieo sạ gần 40.300ha, sản lượng hơn 242.000 tấn. Diện tích trồng cây khoai mỡ hơn 2.900ha, cây chanh 600ha. Trên lĩnh vực chăn nuôi, phát triển đàn gia súc với số lượng hơn 10.000 con, gia cầm hơn 2 triệu con.
Hội nghị tập trung thảo luận các giải pháp nhằm giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Trong đó, xác định nhiệm vụ trước tiên trong sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 là vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng trước khi gieo sạ, tranh thủ xuống giống khi lũ rút; rà soát và có phương án gia cố các khu đê bao có nguy cơ ảnh hưởng khi triều cường cao.
Huyện Thạnh Hóa tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững
Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Phùng Anh Tuấn yêu cầu cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn quan tâm vận động nông dân tập trung gieo sạ dứt điểm vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 trong tháng 12/2024; tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2022-2025; chủ động nạo vét kênh, rạch, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn; thường xuyên kiểm tra, củng cố, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, bờ bao bảo đảm phục vụ sản xuất cho người dân./.
Ngọc Mận - Trung Hưng