>
“Muốn có nền kinh tế số phát triển, phải có một xã hội số. Và để có xã hội số, cần phải có văn hóa số từ nhận thức, tư duy đến hành vi ứng xử trên không gian mạng”, TS Nguyễn Thị Trang chia sẻ.
Khoảng trống trong văn hóa công vụ số
Theo TS Nguyễn Thị Trang, Việt Nam hiện đã có Đề án Văn hóa công vụ (Quyết định 1847/QĐ-TTg), tuy nhiên chủ yếu áp dụng cho môi trường hành chính truyền thống. Trong khi đó, các yếu tố mang tính nhận diện và giao tiếp số của cán bộ, công chức như avatar, chữ ký số, cách tương tác với người dân qua các nền tảng trực tuyến... lại chưa được quy định cụ thể.
TS Nguyễn Thị Trang - Giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
“Cán bộ, công chức ngày nay không chỉ làm việc qua bàn giấy mà còn phải hiện diện trên không gian số. Nhưng liệu đã có quy chuẩn nào cho tinh thần, tác phong và cách ứng xử số”, TS Nguyễn Thị Trang đặt câu hỏi.
Là Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ về xây dựng văn hóa số cho đội ngũ cán bộ ngành nội vụ (nghiệm thu năm 2023), TS Nguyễn Thị Trang kiến nghị bổ sung nội dung về văn hóa số vào các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, chị đề xuất cần có khung năng lực số, gồm cả kỹ năng chuyên môn lẫn đạo đức số và bảo mật thông tin.
Thanh niên tiên phong trong “xóa mù số”
Một điểm nhấn trong bài tham luận là vai trò của thanh niên, đặc biệt là lực lượng tình nguyện viên trẻ, trong việc hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính số.
Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính công.
“Từ việc hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng VNeID đến hỗ trợ truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, các đội hình thanh niên đang đóng vai trò ‘cầu nối số’ giữa người dân và chính quyền”, TS Nguyễn Thị Trang ghi nhận. Chị cho rằng, phong trào “xóa mù số” do đoàn viên, sinh viên triển khai đang giúp rút ngắn khoảng cách số giữa các vùng miền, nhóm tuổi, đối tượng yếu thế.
Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện xuất hiện tại trụ sở UBND cấp xã, phường trực tiếp hướng dẫn người dân thao tác trên thiết bị di động, được TS Nguyễn Thị Trang đánh giá là minh chứng sống động cho năng lực chuyển đổi số đến từ cộng đồng.
Cảnh báo lệch chuẩn và đề xuất ứng dụng AI
TS Nguyễn Thị Trang cũng cảnh báo về tình trạng lệch chuẩn văn hóa số, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên bị tác động bởi thông tin sai lệch, trở thành đối tượng tấn công của các thế lực xấu. Theo chị, nhiều nội dung xuyên tạc, đặc biệt trong các vấn đề nhạy cảm như sáp nhập đơn vị hành chính, đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý hoài nghi trong cộng đồng.
TS Nguyễn Thị Trang chia sẻ tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, lần thứ VI.
Tại Diễn đàn, chị giới thiệu một video ứng dụng AI do nhóm nghiên cứu thực hiện, nhằm phản bác luận điệu cho rằng “sáp nhập là xóa bỏ lịch sử”. Video khẳng định: “Lịch sử và văn hóa không nằm ở tên gọi hành chính, mà nằm ở di sản văn hóa, ký ức và truyền thống cộng đồng”.
Đây được xem là cách làm mới trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường số, tận dụng công nghệ để lan tỏa thông tin chính thống, phản bác thông tin sai lệch một cách linh hoạt và gần gũi.
Văn hóa số là cốt lõi cho phát triển bền vững
TS Nguyễn Thị Trang cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là thay đổi công nghệ mà là thay đổi văn hóa, từ tư duy đến hành vi. “Một xã hội số chỉ bền vững khi có văn hóa số là nền tảng”, chị nói.
TS Nguyễn Thị Trang.
TS Nguyễn Thị Trang đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp Văn hóa, để vừa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sáng tạo mang bản sắc Việt Nam ra thế giới trong thời đại số.
“Thanh niên là lực lượng nòng cốt của chuyển đổi số. Họ không chỉ là người sử dụng công nghệ, mà còn là người dẫn dắt, truyền cảm hứng văn hóa số đến cộng đồng”, TS Nguyễn Thị Trang nhấn mạnh.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI là sự kiện thường niên do T.Ư Đoàn tổ chức, quy tụ hơn 200 đại biểu trí thức trẻ tiêu biểu trong và ngoài nước, nhằm hiến kế cho các vấn đề phát triển quốc gia trong bối cảnh mới.