Thấy gì từ cái bắt tay Mỹ - Ukraine trong thỏa thuận bước ngoặt mua bán UAV?

Thấy gì từ cái bắt tay Mỹ - Ukraine trong thỏa thuận bước ngoặt mua bán UAV?
6 giờ trướcBài gốc
Cú bắt tay giữa Mỹ-Ukraine?
“Người dân Mỹ cần công nghệ này, các bạn cần phải có nó trong kho vũ khí của mình", ông Zelensky khẳng định.
Dù thỏa thuận vẫn chưa được hoàn tất, thậm chí chưa rõ đã có bất kỳ văn bản chính thức nào, việc ông Zelensky công khai hé lộ thông tin này trên một ấn phẩm được xem là thân cận với ông Trump có thể được hiểu như một bước đi chiến lược, nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ nghiêng về phía Kiev.
Ông Zelensky (trái) và ông Trump (phải). Ảnh: Reuters
Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là bước ngoặt lớn với cả hai quốc gia. Thỏa thuận có thể giúp mở cánh cửa xuất khẩu công nghệ UAV thời chiến của Ukraine, vốn lâu nay bị giữ trong các rào cản pháp lý nghiêm ngặt và tạo ra một tiền lệ hiếm hoi trong hệ sinh thái mua sắm quốc phòng khép kín của Mỹ, nơi Bộ Quốc phòng hiếm khi mua vũ khí từ các quốc gia ngoài NATO.
Tại Kiev, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp UAV đón nhận thông tin với tâm thế vừa lạc quan vừa thận trọng. Đối với họ, đây là khởi đầu cho việc tháo gỡ hai chướng ngại lớn: chính sách kiểm soát xuất khẩu cứng rắn của chính Ukraine và sự dè dặt cố hữu từ phía Lầu Năm Góc đối với vũ khí nước ngoài.
Bất chấp sự quan tâm ngày càng tăng từ phương Tây, phần lớn UAV của Ukraine vẫn bị giữ lại trong nước do các hạn chế xuất khẩu không chính thức nhưng rất nghiêm ngặt. Nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ, Kiev sẽ tiến một bước dài trong việc dỡ bỏ các rào cản này.
Về phía Washington, một hợp đồng như vậy sẽ là trường hợp hiếm hoi mà Bộ Quốc phòng Mỹ đồng ý phá vỡ truyền thống “tự cung tự cấp” để mua công nghệ từ bên ngoài, đặc biệt là từ một quốc gia không thuộc NATO. Hiện Mỹ là khách hàng vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng cũng là một trong những thị trường bảo thủ nhất, gần như chỉ ưu tiên các nhà thầu trong nước hoặc đồng minh NATO.
Ông Maksym, người đứng đầu công ty sản xuất UAV tấn công DCU nhận định: “Mỹ sẽ có được những giải pháp đã được kiểm chứng, có khả năng chống tác chiến điện tử cao. Trong khi đó, các công ty Ukraine sẽ tiếp cận một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới, tạo tiền đề cho đầu tư và mở rộng năng lực sản xuất".
Theo ông, lợi thế vượt trội của Ukraine chính là sự gần gũi với chiến trường: “Chúng tôi phát triển các hệ thống UAV theo dạng mô-đun, dễ dàng thay đổi cấu hình để thích ứng nhanh với điều kiện thực tế".
Trở ngại trước mắt
Tuy nhiên, một trở ngại lớn khi xuất khẩu sang Mỹ là nhiều UAV của Ukraine hiện vẫn sử dụng linh kiện Trung Quốc – một vấn đề cần giải quyết sớm nếu muốn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng Mỹ. Việc tuân thủ các quy định ngặt nghèo về mua sắm quốc phòng của Mỹ có thể trở thành cú hích thúc đẩy Ukraine tiến tới chuẩn hóa, chứng nhận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.
Perry Boyle, Giám đốc quỹ đầu tư MITS Capital chuyên rót vốn vào các công ty quốc phòng Ukraine cho biết: “Không giống Ukraine, nơi các đơn vị chiến đấu có thể trực tiếp hợp tác với nhà sản xuất, ở Mỹ có sự tách biệt lớn giữa lực lượng tác chiến và ngành công nghiệp quốc phòng. Điều đó khiến Mỹ khó lòng cạnh tranh với Ukraine về UAV chiến trường".
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận từ Viktor Lokotkov, Giám đốc tiếp thị của hãng Airlogix. Ông cho biết công ty ông đang tính đến khả năng đặt nhà máy sản xuất tại Mỹ nếu Ukraine không sớm nới lỏng kiểm soát xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc sản xuất UAV hàng loạt tại Ukraine để kịp thời cung ứng cho Mỹ đặt ra bài toán lớn: liệu các nhà sản xuất có thể duy trì chất lượng và tốc độ trong một khung thời gian đủ ngắn để đáp ứng tiêu chuẩn chiến trường hay không?
Bất chấp tiềm năng, thỏa thuận UAV Mỹ – Ukraine còn phải vượt qua nhiều trở ngại lớn. Trước hết là vấn đề xuất xứ linh kiện: nhiều UAV của Ukraine hiện vẫn sử dụng các thành phần từ Trung Quốc – điều chắc chắn sẽ bị Lầu Năm Góc xem là bất hợp lệ. Việc chuyển đổi sang hệ linh kiện có xuất xứ Mỹ sẽ đòi hỏi tái cấu trúc sản xuất, đổi mới chuỗi cung ứng và tuân thủ hệ tiêu chuẩn khắt khe từ phía Washington.
Hơn thế, các nhà sản xuất Ukraine có thể phải thiết lập cơ sở sản xuất ngay tại Mỹ để vượt qua rào cản tâm lý và pháp lý trong hệ thống mua sắm quân sự. Một số công ty như Airlogix đã bắt đầu cân nhắc khả năng này, đặc biệt nếu chính phủ Ukraine tiếp tục duy trì các điều luật kiểm soát xuất khẩu ngặt nghèo, vốn từng khiến nhiều đơn hàng quốc tế bị đình trệ.
Theo ông Boyle, thách thức lớn nhất hiện tại lại nằm ở cơ chế hợp tác: “Vì đây là một thỏa thuận giữa hai chính phủ, nên giống như các thỏa thuận khoáng sản trước đây, mọi vấn đề sẽ cần nhiều thời gian để bàn thảo".
Nếu thành hiện thực, thỏa thuận UAV Ukraine – Mỹ không chỉ mang ý nghĩa thương mại. Nó sẽ là lời tuyên bố rằng thời đại quốc phòng toàn cầu không còn bị giới hạn trong khuôn khổ NATO, hay các tổ hợp công nghiệp quân sự truyền thống.
Trong thời đại mà UAV không còn là vũ khí phụ trợ, mà đã trở thành xương sống trong chiến thuật hiện đại, cuộc đua công nghệ không nhất thiết do những nước giàu nhất dẫn đầu. Và có lẽ, trong cuộc đua ấy, Ukraine – quốc gia đã trở nên quen thuộc với khói súng suốt hơn 3 năm qua, lại đang ở tuyến đầu.
Diệp Thảo/VOV.VN (Tổng hợp) Theo New York Times, Kiev Independent
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thay-gi-tu-cai-bat-tay-my-ukraine-trong-thoa-thuan-buoc-ngoat-mua-ban-uav-post1215883.vov