Dàn sao trong “Em xinh say hi”. Ảnh: Nhà sản xuất VieON.
Nổi bật và được nhắc tới nhiều nhất thời gian gần đây phải kể đến các show diễn nghệ thuật giải trí, như “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, hay mới nhất là “Em xinh say hi”, rồi MV “Bắc Bling”... không chỉ tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ mà còn chứng minh sức hút ngày càng lớn của các sản phẩm công nghiệp văn hóa khi được đầu tư bài bản, sáng tạo và kết nối hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp, startup sáng tạo cũng đang mạnh dạn đầu tư vào các mô hình kinh doanh gắn với giá trị văn hóa, góp phần hình thành hệ sinh thái sáng tạo năng động để tạo ra sản phẩm vừa có giá trị kinh tế, vừa mang ý nghĩa bản sắc. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, công nghiệp văn hóa hiện nay có thể xem là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp trực tiếp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, theo ThS. Kiều Công Thược - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển quỹ Khởi nghiệp sáng tạo (VNFUND), việc phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và nhân lực hạn chế, phần lớn các địa phương chưa có đủ hạ tầng cần thiết để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong khi lực lượng lao động trong ngành vẫn còn thiếu kỹ năng và trình độ chuyên môn.
Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc thiếu chính sách hỗ trợ đồng bộ là một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp văn hóa chưa thể bứt phá. Dù đã có nhiều chủ trương, định hướng phát triển lĩnh vực này, nhưng hệ thống pháp luật liên quan còn thiếu tính liên kết, chưa tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động sáng tạo. Nền tảng dữ liệu còn sơ khai, thiếu một chiến lược quốc gia toàn diện cùng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Cùng với đó, các chính sách về đầu tư, ưu đãi thuế, bản quyền, chuyển giao công nghệ, hay hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa chưa thực sự hiệu quả. Nhiều nghệ sĩ, doanh nghiệp văn hóa vẫn loay hoay trong việc đăng ký bản quyền, xin cấp phép tổ chức sự kiện hay tìm kiếm cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp...
Vì vậy có thể nói việc ra đời của Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam là một "bệ đỡ" cần thiết. Theo NSND Vương Duy Biên, Hiệp hội sẽ là nơi quy tụ tất cả - một liên minh sáng tạo Việt Nam, nơi mà nghệ thuật - tri thức - công nghệ - thị trường cùng chung tay vì một mục tiêu: Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột kinh tế và năng lực mềm quốc gia.
Sau khi được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam, NSND Vương Duy Biên cho biết, từ năm 2025-2030, Hiệp hội xác định 5 trọng tâm hành động, đó là: Phát triển nhân lực văn hóa - nghệ thuật - sáng tạo: phối hợp với các trường, viện và doanh nghiệp để đào tạo hàng ngàn giáo viên, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà tổ chức, lập trình viên, kỹ sư văn hóa số...
Tiếp đến là thành lập các Trung tâm công nghiệp văn hóa địa phương, đặc biệt tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Ninh Bình, Lâm Đồng - nơi có tiềm năng di sản, nghệ thuật truyền thống và không gian sáng tạo mạnh mẽ. Cùng với đó là tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế quy mô lớn: Liên hoan phim, âm nhạc, thời trang, thiết kế, mỹ thuật; đưa nghệ sĩ Việt ra thế giới, đón nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam...
Và một trong những điểm nhấn trong trọng tâm hành động của Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam trong khoảng thời gian 5 năm tới là xây dựng quỹ đầu tư cho công nghiệp văn hóa, phối hợp cùng các quỹ sáng tạo, nhà tài trợ, doanh nghiệp công nghệ và nhà nước.
Mục tiêu tổng quát của "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045" là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế... Trong đó, hướng đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP quốc gia. Với những tín hiệu trên thì có thể khẳng định, mục tiêu đó hoàn toàn khả thi.
H. Anh