Thêm nhiều bí ẩn được phát lộ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc

Thêm nhiều bí ẩn được phát lộ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc
4 giờ trướcBài gốc
Sau hơn 5 tuần khai quật trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đoàn cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia do ông Nguyễn Ngọc Chất chủ trì đã mở 2 hố khai quật chính với diện tích 60m², cùng 2 hố thám sát 6m² tại khu vực tháp Bắc và tháp Nam.
Kết quả cho thấy cả hai tháp đều được xây dựng trên nền đất phù sa ven sông Bồ với lớp gia cố móng bằng đất laterite và bột gạch. Cốt nền của hai tháp gần như ngang bằng nhau, tuy nhiên có sự khác biệt về quy mô, cấu trúc và phong cách trang trí, cho thấy tháp Bắc có thể được xây dựng sớm hơn tháp Nam từ 10–20 năm, vào khoảng cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ thứ X.
Qua hai đợt khai quật, các nhà nghiên cứu đã thu được hơn 9.300 tiêu bản hiện vật, gồm vật liệu kiến trúc, mảnh bia, gốm men, đất nung và một số mảnh đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Một điều đặc biệt là tháp đôi Liễu Cốc so với các di tích tháp Chăm khác ở khu vực Miền Trung là có 2 tháp là chính, thông thường thì các tháp Chăm thì thường là 1 tháp thờ chính hoặc 3 tháp thờ chính nằm ở khu vực trung tâm. Đây là một vấn đề lớn trong việc nghiên cứu nghệ thuật trong kiến trúc tháp Champa nhằm bổ sung thêm nhận thức mới. Rất hay là tháp đôi Liễu Cốc nằm trên địa bàn Huế mà ở Huế trầm tích văn hóa dày và chúng tôi mong muốn tiếp tục được mở rộng nghiên cứu một cách tổng thể”.
Quá trình khai quật tháp đôi Liễu Cốc
Đáng chú ý, đoàn khai quật đã thu thập được 9.380 tiêu bản hiện vật, bao gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, bia ký, mảnh bệ Yoni và một số cổ vật niên đại từ thế kỷ X đến thứ XIX. Trong đó, có những mảnh bia khắc chữ Phạn trên đá sa thạch, góp phần xác lập giá trị đặc biệt của di tích.
Di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc, phường Kim Trà, thành phố Huế
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tháp đôi Liễu Cốc hiện là di tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm thấy trên thế giới có hai tháp thờ chính đồng thời. Các chuyên gia đề xuất tiếp tục mở rộng khai quật để nhận diện đầy đủ bố cục, không gian và giá trị lịch sử của di tích. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế cho biết, địa phương sẽ xây dựng phương án bảo tồn, tạo mái che bảo vệ 2 tòa tháp và cảnh quan xung quanh nhằm phát huy giá trị di sản quý báu này.
“Ở miền Trung nói chung, và ở Huế nói riêng thì dạng tháp như tháo đôi Liễu Cốc rất là hiếm có. Nó phản ánh những cái giá trị độc đáo và nó thể hiện quá trình phát triển của văn hóa Chăm Pa nói riêng và dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Do đó, phương hướng để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của di tích này trong thời gian tới thì Sở Văn hóa, Thể thao phối hợp với một số đơn vị chức năng phương án tiếp tục mở rộng thì việc khai quật làm rõ hơn là toàn bộ cấu trúc của tháp này làm rõ hơn các giá trị hiện nay chúng ta đang còn chưa rõ hoặc là đang còn nghi ngờ”. - Ông Phan Thanh Hải cho biết.
Những hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật tháp đôi Liễu Cốc
Góp thêm góc nhìn văn hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nhấn mạnh vai trò của di sản Champa trong cấu trúc văn hóa Huế hiện nay. Ông cho rằng di tích như Tháp đôi Liễu Cốc không chỉ có giá trị về mặt khảo cổ mà còn phản ánh sự dung hợp văn hóa Chăm - Việt hình thành từ thời kỳ nhà Trần tiếp nhận vùng đất Thuận Hóa.
“Đã đến lúc Huế thành lập Bảo tàng văn hóa Chăm-pa ở Huế, phải là bảo tàng văn hóa Champa có cả những di vật, bằng vật chất như những tượng đá, những linga, những Yoni, mà còn có yếu tố phi vật thể hay những yếu tố về văn hóa đa dạng khác” - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.
Tháp đôi Liễu Cốc không chỉ là một công trình khảo cổ mang giá trị lịch sử lớn, mà còn là minh chứng sống động cho quá trình giao thoa văn hóa, góp phần định hình bản sắc văn hóa Huế ngày nay.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/van-hoa/di-san/them-nhieu-bi-an-duoc-phat-lo-tai-di-tich-thap-doi-lieu-coc-post1216200.vov