Thiên tai dồn dập khắp châu Á: Cảnh báo khẩn cấp từ khủng hoảng khí hậu

Thiên tai dồn dập khắp châu Á: Cảnh báo khẩn cấp từ khủng hoảng khí hậu
5 giờ trướcBài gốc
Kể từ ngày 16/7, Hàn Quốc hứng chịu các đợt mưa lớn kéo dài gây lở đất nghiêm trọng, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 9 người vẫn mất tích. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm huyện Sancheong, tỉnh Gyeongsang Nam, thành phố Osan, Seosan và Dangjin. Riêng tại Sancheong, lượng mưa tích lũy đã lên tới gần 800mm, phá hủy nhà cửa, đường sá và tài sản của hàng nghìn người dân. Tính đến sáng nay (20/7), gần 13 nghìn người đã phải sơ tán, trong khi dự báo vẫn còn mưa lớn tiếp diễn tại khu vực thủ đô Seoul và tỉnh Gangwon.
Một ngôi làng bị tàn phá bởi trận lở đất do mưa lớn gây ra ở huyện Sancheong. Ảnh: Yonhap
Còn tại Trung Quốc, hôm qua, Cơ quan khí tượng Hong Kong đã phát đi cảnh báo bão cấp 10, mức cao nhất khi bão Wipha tiếp cận sát đảo chính, gây mưa lớn và gió giật trên 118km/h. Hơn 500 chuyến bay bị hủy, các hoạt động giao thông gần như tê liệt, toàn bộ trường học đóng cửa, hàng chục cây lớn bị quật đổ. Hội chợ sách thường niên và nhiều sự kiện văn hóa khác buộc phải hủy bỏ. Chính quyền Hong Kong đã mở 34 nơi trú ẩn tạm thời, đón gần 200 người dân sơ tán. Trong khi đó, Macau cũng phát cảnh báo cấp 8, đình chỉ toàn bộ các tuyến phà và đóng cửa cây cầu vượt biển nối ba vùng lãnh thổ để phòng tránh rủi ro.
Trước đó, tại Pakistan, mưa lớn và lũ quét kể từ cuối tháng 6 đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 116 người, làm hơn 250 người bị thương, chủ yếu do sập tường và mái nhà tại các tỉnh miền Đông như Punjab. Hàng loạt cảnh báo về nguy cơ lũ quét được phát đi tại các vùng núi, đặc biệt ở các tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan.
Từ lũ lụt tại Hàn Quốc, bão ở Trung Quốc, đến mùa mưa chết chóc ở Pakistan, tất cả đang phản ánh rõ rệt sự khốc liệt của biến đổi khí hậu. Không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, các hiện tượng thời tiết cực đoan còn đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với quyền con người. Điều này đã được Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk nhấn mạnh tại một cuộc họp báo tuần qua, với thông điệp: “Khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng nhân quyền".
“Khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng nhân quyền. Nhiệt độ tăng cao, nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng đang đe dọa quyền được sống, quyền được khỏe mạnh, quyền được hưởng một môi trường sạch sẽ, lành mạnh và bền vững, cùng nhiều quyền khác nữa. Đợt nắng nóng mà chúng ta đang trải qua cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp thích ứng, nếu không có chúng, nhân quyền sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
Trong khi đó, các tổ chức môi trường như Greenpeace tiếp tục kêu gọi chấm dứt khai thác nhiên liệu hóa thạch và yêu cầu những “gã khổng lồ gây ô nhiễm” phải chịu trách nhiệm. Bà Rebecca Newsom, Trưởng phòng Chính trị của Greenpeace trong tuyên bố trước báo giới hôm qua, nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong tình trạng khẩn cấp khí hậu và điều này là do ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và giới siêu giàu đang gây ô nhiễm hành tinh. Những đợt nắng nóng vừa qua ở châu Âu và tác động của lũ lụt ở châu Á là bằng chứng cho thấy tình trạng khẩn cấp về khí hậu và sự cấp bách của việc ngừng khoan thêm dầu khí, đồng thời buộc những công ty gây ô nhiễm lớn như các công ty dầu khí và giới siêu giàu phải trả phần trách nhiệm công bằng của họ.
Hồng Nhung/VOV1 (tổng hợp)
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/thien-tai-don-dap-khap-chau-a-canh-bao-khan-cap-tu-khung-hoang-khi-hau-post1216106.vov