Thiết bị DAT giúp nâng cao chất lượng đào tạo lái xe

Thiết bị DAT giúp nâng cao chất lượng đào tạo lái xe
8 giờ trướcBài gốc
Được học đủ thời gian và quãng đường thực hành
Vừa hoàn thành chương trình học lái xe và chuẩn bị dự sát hạch để được cấp GPLX hạng B2, anh Nguyễn Trung Hiếu (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, anh rất hài lòng với phần mềm DAT vì công nghệ hiện đại này giúp anh thực hành lái xe đủ thời gian và số km lái xe trên đường theo quy định, qua đó kinh nghiệm lái xe của anh được nâng cao để tự tin xử lý các tình huống khi tham gia giao thông trên đường.
Thiết bị DAT được lắp trên xe tập lái
Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT quy định số học viên bình quân trên một xe tập lái hạng B2 là 5 người, tổng số giờ học thực hành lái xe trên một xe tập lái hạng B2 là 420 giờ và tương ứng của một học viên là 84 giờ. Như vậy, trong khóa học, mỗi học viên phải đảm bảo học đủ 84 giờ và 1.100 km học thực hành lái xe.
Việc lắp đặt thiết bị DAT là quy định bắt buộc trong QCVN 105:2020/BGTVT ban hành kèm Thông tư 37/2020 của Bộ GTVT. Việc triển khai lắp đặt thiết bị DAT không chỉ giúp cơ quan chức năng dễ dàng quản lý giám sát mà còn chống gian lận hiệu quả trong quá trình thực hành lái xe ô tô.
Mỗi học viên tham gia thực hành lái xe trên đường được cấp 1 thẻ có code để quẹt thẻ tại đầu đọc cảm ứng trên xe và được thể hiện qua màn hình giao diện Tablet nhằm xác thực thông tin cá nhân, đồng thời được camera tự động chụp 5 phút/lần khi đang lái xe lưu thông trên đường.
Hệ thống DAT tự động cập nhật truyền hình ảnh và dữ liệu thông tin kịp thời, chính xác về Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GT-VT để quản lý, giám sát chặt về thời gian và quãng đường mà học viên theo học từng hạng; phải đảm bảo đúng số km và thời gian lái xe mới đủ điều kiện được bước vào kỳ thi thi sát hạch cấp GPLX.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải Phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, công tác đào tạo cũng như sát hạch lái xe ô tô chất lượng đã được nâng lên, tuy nhiên ở một số cơ sở đào tạo có sự thống nhất với học viên để cắt giảm thời gian và số km học lái xe trên đường.
Do người học chưa ý thức được việc học là an toàn cho bản thân, không học cũng muốn có giấy phép lái xe bằng. Thực tế, nhiều học viên chưa được học đủ 84 giờ hay 1.100 km theo quy định. Với điều kiện hiện nay tại Việt Nam vẫn bắt buộc phải siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo.
Trước đây thông tin về thời gian và số km lái xe trên đường của học viên do cơ sở đào tạo báo cáo, các Sở kiểm tra qua báo cáo và ra quyết định cho phép dự sát hạch. Thông tư 04/2022 sửa đổi Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định, từ ngày 15/6, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải truyền dữ liệu giám sát thời gian và số km học lái xe trên đường của học viên về Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT sẽ căn cứ vào dữ liệu này để duyệt danh sách học viên đủ điều kiện tham dự các kỳ sát hạch. Học viên chưa học đủ thời gian và số km theo quy định sẽ không được dự sát hạch để cấp GPLX.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Giám đốc một Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ở Hải Dương cho biết, đơn vị đã triển khai nghiêm túc, đảm bảo học viên thực hành lái xe đạt tối thiểu thời gian và quãng đường theo quy định. Ðồng thời, giám sát chi tiết từng phiên học, nghiêm cấm tất cả các trường hợp gian lận trong quá trình chạy DAT. Trung tâm đưa vào nội quy, học viên chưa đủ thời gian và quãng đường thực hành lái xe trên đường sẽ không được thi tốt nghiệp.
"Việc sử dụng thiết bị DAT vào giám sát lái xe trên đường rất thiết thực. Việc thực hành lái xe trên đường đủ thời gian và số km theo quy định giúp học viên thành thạo kỹ năng lái xe và tự tin xử lý các tình huống xảy ra trên đường. Ngoài ra, thiết bị DAT còn giúp cho cơ sở đào tạo lái xe kiểm soát được công tác giảng dạy phù hợp với kế hoạch đào tạo, quản lý được việc sử dụng phương tiện", lãnh đạo trung tâm này cho hay.
Cũng theo ông Lương Duyên Thống, sau hơn 1 năm áp dụng thiết bị DAT đã mang lại hiệu quả rõ rệt, việc tăng cường ứng dụng công nghệ giúp giám sát quá trình đào tạo chặt chẽ hơn, trong đó đặc biệt chú ý giám sát việc học luật giao thông và đưa thiết bị công nghệ để giám sát thời gian thực hành của lái xe, đảm bảo giám sát được thời gian học thực hành lái xe trên đường khoảng 40 giờ và 800 km thực tế 84 giờ hoặc trên 1.000km như quy định. Đây sẽ là những nội dung căn bản để nâng cao chất lượng đào tạo.
Từ năm 2022 đến nay, Cục Đường bộ VN đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe như, ứng dụng công nghệ trong đào tạo, sát hạch lái xe: Thứ nhất là giám sát thời gian và quãng đường học của học viên. Thứ hai thi sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông. Thứ 3 là các cơ sở đào tạo lắp cabin tập lái. Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.
PV
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/thiet-bi-dat-giup-nang-cao-chat-luong-dao-tao-lai-xe-192241120000948592.htm