Ẩn ức của ông sẽ theo ông mãi mãi khi ông vừa bước vào tuổi 69 với nhiều dự định còn dang dở vào ngày 17-9-1997. Hiện tại và cả quá khứ sẽ chẳng mấy ai hay biết sự việc này, nếu như gần 4 năm sau, ngày 28-5-2001, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - một trong những nhân vật chủ chốt nhất “kiến tạo” việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ giao nhiệm vụ đặc biệt cho Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Huy Phan hơn 20 năm về trước không nói ra, nhưng Đại tướng đã khẳng định rất rõ:
“Hôm nay, tôi viết văn bản này báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng một việc sau:
Trước đây trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước và sau này là Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo phá bao vây cấm vận của Mỹ. Để làm nhiệm vụ này, tôi đã chọn con đường khoa học làm khâu đột phá và chọn đồng chí Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phan, nguyên Phó viện trưởng Viện Quân y 108, là một người giỏi chuyên môn vi phẫu thuật và có đạo đức trong nghề nghiệp. Vì yêu cầu bảo đảm bí mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã trực tiếp giao nhiệm vụ mở đường đột phá bao vây, cấm vận của Mỹ bằng con đường khoa học cho đồng chí Nguyễn Huy Phan.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Huy Phan thường xuyên trực tiếp báo cáo và nhận chỉ thị của tôi. Đồng chí đã có nhiều cố gắng, âm thầm, lặng lẽ vượt qua mọi khó khăn, mang hết tài năng của mình để thực thi nhiệm vụ và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để hiện tại và sau này đánh giá đúng công lao của đồng chí Nguyễn Huy Phan, tôi viết văn bản này kính gửi để Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng biết về việc làm và thành tích trên của đồng chí Nguyễn Huy Phan”[1].
GS Nguyễn Huy Phan (thứ nhất bên phải) tham dự cuộc gặp của Chủ tịch nước Lê Đức Anh (giữa) với ông William Magee - Chủ tịch Hội Phẫu thuật nụ cười quốc tế (đứng cạnh bên trái Chủ tịch nước Lê Đức Anh) năm 1995.
Giữa năm 2010, hồi tưởng lại sự kiện này, Đại tướng Lê Đức Anh cho biết: “Lúc đó, tôi đương làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được Bộ Chính trị giao cho việc tìm cách nào đó để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ… Lúc đó, giữa Việt Nam và Mỹ không có một kênh tiếp cận nào cả nên rất khó làm. Vả lại chiến tranh mới kết thúc hơn 10 năm, sự hận thù vẫn còn sâu sắc lắm. Không thể tiếp cận với nhau bằng chính trị, kinh tế thì phải tìm ở lĩnh vực khoa học - kỹ thuật vậy. Cuối cùng ta đã chọn được một người làm khoa học - kỹ thuật là bác sĩ Nguyễn Huy Phan ở Viện Quân y 108… Tuy nhiên, công việc của anh Phan là “tuyệt mật”, tôi chỉ báo cáo với Bộ Chính trị thôi… Bình thường hóa quan hệ với Mỹ là chuyện khó ngay từ nội bộ ta lúc bấy giờ. Cán bộ và nhân dân ta chưa đồng tình. 20 năm chiến tranh tàn khốc còn để lại bao vết thương trên cơ thể đất nước và trong tâm lý mọi người. Lúc đó mà nói đến lập quan hệ ngoại giao với Mỹ là bị quy kết liền. Anh Phan không tránh khỏi và anh Thạch (tức Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thời kỳ đó) cũng bị một chút. Đặc biệt, thời kỳ tôi bị xuất huyết não phải nằm viện giữa nhiệm kỳ Chủ tịch nước, anh Phan “chỉ còn biết khóc bởi bất lực”. Ra viện, trở lại Phủ Chủ tịch, tôi đã khôi phục lại danh dự cho anh Phan, tặng Huân chương cho anh, nhưng lúc đó anh đã suy sụp, đổ bệnh và qua đời”[2]. Tấm Huân chương mà nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh nhắc ở đây chính là Huân chương Độc lập hạng Nhất mà Đảng, Nhà nước trao tặng ông ngày 16-9-1997, một ngày trước khi ông qua đời.
Gần đây hơn, trong cuốn Hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2015 cho mọi người hiểu thêm về nhiệm vụ của Thiếu tướng Nguyễn Huy Phan ngày ấy. Đại tướng Lê Đức Anh thêm một lần nữa thuật lại rằng: “Anh Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói với tôi: Anh có cách gì hay thì anh làm bước mở đầu. Tôi đồng ý và chọn con đường tiếp cận từ khoa học. Tôi đã chọn ngành y học và cử anh Nguyễn Huy Phan (Thiếu tướng, bác sĩ Viện Quân y 108, giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật tạo hình) làm “người mở đầu”. Khi đi dự Hội nghị quốc tế ở Paris, anh Phan đã trình bày công trình “Phẫu thuật tạo hình dương vật” của mình, được các nhà khoa học đánh giá cao. Tại hội nghị, các nhà khoa học Mỹ đã có lời mời Giáo sư Nguyễn Huy Phan sang thăm Mỹ. Trước khi đi, tôi dặn anh Phan: Sang đó, anh làm tốt việc trao đổi về khoa học với các nhà khoa học Mỹ là đã phục vụ Nhân dân, phục vụ chính trị rồi - Tôi sẽ thực hiện lời Chủ tịch căn dặn và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ - Anh Nguyễn Huy Phan xúc động nói… Sau đó, Chính phủ quyết định đưa anh Phan lên làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ để làm “cầu nối” liên lạc. Sau này, công việc thành công, nhưng ít người biết được thời điểm đó cũng rất căng thẳng. Bởi vì những ý tưởng, chủ trương này phải giữ bí mật. Anh Phan được cử đi thực thi nhiệm vụ mở quan hệ với một nước đế quốc vừa gây chiến tranh xâm lược nước ta, thì bị mọi người và nhất là cấp trên trực tiếp gán cho tội “thỏa hiệp, đầu hàng địch”. Vì cấp trên trực tiếp của anh không được phổ biến, quán triệt. Khi tôi bị xuất huyết não (năm 1997) nằm cấp cứu tại Viện Quân y 108, anh Phan vào thăm tôi, thấy tôi nằm bất động, anh khóc: “Thủ trưởng ơi, hãy sống lại đi. Chỉ có Thủ trưởng sống lại thì mới minh oan cho tôi!... Khi tôi khỏe trở lại, công việc đã thành công, tôi đã đề nghị khôi phục mọi quyền lợi chính trị cho anh Nguyễn Huy Phan và anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất”[3].
Những ngày trước lúc ra đi giữa tháng 9 năm 1997, nằm trên giường bệnh chống chọi với căn bệnh ung thư ở vào giai đoạn cuối, ông tuyệt nhiên không nói một lời nào về “sứ mệnh” tuyệt mật mà ông được Chủ tịch nước giao trong các chuyến thăm Mỹ ngày trước, và cũng tuyệt nhiên không nói một lời về những bi kịch xảy ra ngay tại Viện Quân y 108, nơi ông làm việc. Ngày 15-9-1997, trước 2 ngày ông mất, chỉ nói với mấy con gái và nhà báo Trần Mai Hạnh trong hơi thở khó nhọc, rằng: “Báo và tạp chí đăng bài anh phỏng vấn tôi về chuyến đi Mỹ ngày ấy (30-11-1992), tôi vẫn giữ. Bài báo được nhiều người đồng tình, hoan nghênh nhưng tôi cũng đã gặp không ít rắc rối. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã rõ. Đảng hiểu tôi, lãnh đạo hiểu tôi, đồng chí hiểu tôi. Như thế, có ra đi tôi cũng đã có được sự thanh thản anh ạ”[4]. Nghe ông nói vậy, hai con gái ông ứa nước mắt, thương ông - một nhà khoa học chân chính, đầy tài năng và nhân cách ấy đã có thời điểm, như lời kể lại của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh: “Chỉ biết khóc bởi bất lực”. Ông không chỉ là nhà khoa học tài năng và nhân cách mà còn thực sự là “nhà ngoại giao xuất sắc” đã đặt những dấu ấn đầu tiên trên đại lộ đầy chông gai trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Mỹ.
GS Nguyễn Huy Phan (thứ nhất bên trái) cùng cựu Tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush và phu nhân Barbara Bush nhân chuyến thăm hữu nghị Việt Nam năm 1995. Ảnh: Tư liệu
Sau ngày ông mất, bạn bè của ông nhiều nơi trên thế giới đã gửi thư tới gia đình tỏ lòng khâm phục. Trong bức thư đề ngày 26-11-1997, Bác sĩ William Magee - người sáng lập ra Hội Phẫu thuật nụ cười quốc tế đã thuật lại ký ức của ông: “Dường như chỉ mới ngày hôm qua tôi ngồi đối diện với giáo sư Phan trong một căn phòng ở Hà Nội vào năm 1988 cùng bàn về khả năng dùng ngành y tế làm cầu nối gắn kết hai quốc gia Việt - Mỹ” và lời của ông: “Bố của tôi mất trong chiến tranh, em trai của tôi cũng mất trong chiến tranh; đã đến lúc chúng ta đặt chiến tranh lại phía sau và tiếp tục cuộc sống hiện tại của chúng ta. Câu nói đơn giản nhưng đầy tình cảm và sự trung thực ấy không những là động lực thúc đẩy người Việt Nam và người Mỹ bắt đầu quá trình làm việc với nhau, mà còn là tấm gương sáng mà chúng ta có thể chia sẻ với mọi người trên thế giới”[5]. Cũng trong một bức thư khác đề ngày 5-12-1997 của bác sĩ Craig Merrell người Mỹ viết: “Ông (tức Giáo sư Phan) rơi nước mắt và đã nói rằng, “tình bạn mà chúng ta thiết lập trong tuần vừa qua với các bạn đồng nghiệp từ Hội Phẫu thuật nụ cười đã cho phép quá trình hàn gắn đau thương được bắt đầu”. Quá trình này không chỉ tiếp tục giữa giáo sư Phan và các thành viên của Hội Phẫu thuật nụ cười, mà còn diễn ra giữa hai đất nước Việt Nam và Mỹ”[6].
Đại tá, TS NGUYỄN VĂN QUYỀN (Viện Lịch sử quân sự)
[1]. Bản lưu tại gia đình tại số nhà 5, ngõ 50, phố Tôn Thất Thiệp, Ba Đình, Hà Nội.
[2]. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Nguyễn Huy Phan cuộc đời và Sự nghiệp, Nxb Y học, Hà Nội, 2019, tr.191-192.
[3]. Đại tướng Lê Đức Anh, Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Hồi ký, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.341 - 342.
[4]. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Nguyễn Huy Phan cuộc đời và Sự nghiệp, Nxb Y học, Hà Nội, 2019, tr.194.
[5]. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Nguyễn Huy Phan cuộc đời và Sự nghiệp, Nxb Y học, Hà Nội, 2019, tr.241-242.
[6]. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Nguyễn Huy Phan cuộc đời và Sự nghiệp, Nxb Y học, Hà Nội, 2019, tr.244.