Thời tiết các tỉnh ĐBSCL sẽ có nhiều thay đổi bất thường

Thời tiết các tỉnh ĐBSCL sẽ có nhiều thay đổi bất thường
4 giờ trướcBài gốc
Mùa mưa ở ĐBSCL đang kết thúc muộn
Ngày 29/11, tại TP Cần Thơ, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thời gian qua, ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những cơn mưa lớn bất thường, triều cường, hạn mặn... đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sản xuất, giao thông ở khu vực này. Nhiều tuyến đường ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu... ngập sâu, thậm chí ngập trên tuyến quốc lộ 1; cầu đường ở Cà Mau, Kiên Giang sụp lún do hạn mặn khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Cơn mưa lớn biến đường phố Cần Thơ thành sông, tháng 10/2024.
Việc dự báo được trước tình hình khí hậu, thời tiết là yếu tố quan trọng để người dân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng có những biện pháp ứng phó kịp thời.
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thanh Hoa (Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết tại diễn đàn dự báo thời tiết trong ba tháng tới có thể nghiêng về hướng La Nina, đến tháng 3/2025, hiện tượng này sẽ chấm dứt.
Đặc biệt, trong ba tháng tới, từ 12/2024 đến tháng 2/2025 có thể xuất hiện mưa trái mùa tại ĐBSCL, lượng mưa có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nhưng do đây là giai đoạn cuối mùa khô, nên lượng mưa tăng cao không đáng kể.
Phân tích sâu hơn về tình hình mưa tại khu vực Nam bộ, bà Hoa cho biết lượng mưa có thể tăng cao vào tháng 12/2024, với tổng lượng mưa cao hơn từ 10-30mm so với trung bình nhiều năm, sau đó giảm dần.
Bên cạnh đó, mùa mưa tại ĐBSCL đang có xu hướng kết thúc muộn hơn. Hiện là cuối tháng 11, nhưng vị chuyên gia khí tượng nhìn nhận, khu vực vẫn chưa bắt đầu vào mùa khô.
Trong 6 tháng tới, tổng lượng dòng chảy trên sông MêKông về ĐBSCL thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%
Bà Hoa cũng đưa ra dự báo trong 6 tháng tới, tổng lượng dòng chảy trên sông Mêkông về ĐBSCL ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%. Cùng với đó là mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,2m. Tuy nhiên, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình, không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020.
Lũ năm 2025 ở ĐBSCL diễn biến thế nào?
Nói rõ thêm về thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và lũ năm 2025 vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam) cho biết, năm 2024, hồ chứa thủy điện thượng lưu đã tích được khoảng 88% tổng dung tích hữu ích.
Trong đó, các hồ trên sông Lan Thương (Trung Quốc) tích 94%, các hồ ở hạ lưu vực sông Mêkông tích trữ ở mức khoảng 74%. Dự kiến đầu mùa năm 2024-2025, dung tích hữu ích duy trì ở mức 70-80%.
Hạn mặn làm cầu, đường sụp lún ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hồi tháng 4/2024.
Trong khi đó, triều cường dự báo các tháng mùa khô 2024-2025 ở mức cao. Cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm. Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam nhận định, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023-2024, 2015-2016 và 2019-2020.
Về xu thế lũ năm 2025, theo ông Khôi còn khá sớm để dự báo. Nhưng với căn cứ điều kiện triều cường, tác động biến đổi khí hậu gây ra mưa, dự báo sơ bộ cho thấy lũ năm 2025 đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh vào cuối tháng 9 đến nửa đầu tháng 10.
Đỉnh lũ năm 2025 trên vùng thượng ĐBSCL phổ biến ở mức xấp xỉ và trên mức báo động 1, một số trạm dưới mức báo động 1.
Đỉnh lũ năm 2025 trên vùng giữa ĐBSCL phổ biến trên mức báo động 3, một số trạm từ báo động 2- báo động 3. Thời gian đạt đỉnh phổ biến rơi vào kỳ triều cường cao nhất tháng 11, một số trạm đỉnh lũ rơi vào kỳ chính vụ tháng 10. Đỉnh mực nước lớn nhất năm 2025 các trạm vùng ven biển ĐBSCL có thời gian đạt đỉnh phổ biến rơi vào kỳ triều cường cao nhất tháng 11.
Nguyên Việt
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/thoi-tiet-cac-tinh-dbscl-se-co-nhieu-thay-doi-bat-thuong-192241129121730002.htm