Thủ tướng Đức Friedrich Merz. (Nguồn: Getty Images)
Tuyên bố này phản ánh lập trường cứng rắn của ông Merz, vốn có thể không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ một số đối tác phương Tây, bao gồm cả Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng tìm cách khôi phục đối thoại với Nga sau một thời gian dài gián đoạn. Từ góc nhìn của Moscow, phát ngôn này dễ hiểu khi được nhìn nhận như một biểu hiện của thái độ đối đầu.
Kỳ vọng chưa thành hiện thực
Ngay từ khi nhậm chức, Thủ tướng Merz đã kiên định với lập trường cứng rắn đối với Nga, bất chấp kỳ vọng từ một bộ phận cộng đồng doanh nghiệp và công chúng Đức - những người mong muốn duy trì kênh đối thoại song phương nhằm hạn chế nguy cơ đổ vỡ toàn diện trong quan hệ giữa Berlin và Moscow. Tuy nhiên, cho đến nay, kỳ vọng này vẫn chưa thành hiện thực.
Trái lại, giới công nghiệp quốc phòng Đức đã mở rộng ảnh hưởng, đẩy mạnh quá trình quân sự hóa như một hướng tiếp cận nhằm ứng phó với khó khăn kinh tế. Họ cam kết hiện đại hóa lực lượng vũ trang và cung cấp hệ thống vũ khí tiên tiến cho quân đội. Tuy nhiên, nếu không đi kèm với một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, việc ưu tiên cho quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng đối với Nga có thể đặt ra những câu hỏi đáng cân nhắc đối với cử tri Đức, nhất là về tính hiệu quả kinh tế của chính sách.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc lồng ghép xung đột Ukraine vào chương trình chính trị nội bộ đã khiến giới lãnh đạo Đức đặt cược không chỉ vào thành công của Kiev, mà còn vào uy tín và tương lai chính trị của chính họ. Với vai trò là nhà tài trợ quân sự và tài chính lớn nhất cho Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là một trong những điểm đến chính của người tị nạn Ukraine, Đức đang gánh chịu những chi phí không nhỏ, cả về tài chính, xã hội lẫn chính trị. Những chi phí này chỉ có thể được biện minh trong trường hợp Nga chịu thất bại rõ ràng về mặt quân sự. Ngược lại, nếu tình hình chiến sự kéo dài hoặc diễn biến bất lợi cho Kiev, Berlin sẽ buộc phải đánh giá lại các quyết sách đã đưa ra.
Một điểm đáng chú ý là, mặc dù xuất thân từ đảng trung hữu CDU, Thủ tướng Merz thể hiện lập trường chính sách đối ngoại có nét tương đồng với bà Annalena Baerbock - cựu Ngoại trưởng thuộc đảng Xanh. Bà Annalena Baerbock từng bị chỉ trích vì thiên về tư duy hệ giá trị và năng lực ngoại giao bị đánh giá là hạn chế. Trong khi những cách tiếp cận này có thể phù hợp trong khuôn khổ hợp tác với các đối tác truyền thống như EU hay NATO, thì ở phạm vi toàn cầu, đặc biệt với các nước thuộc nhóm “đa số thế giới”, lại dễ dẫn tới hiểu lầm hoặc phản ứng tiêu cực do thiếu tính linh hoạt và đối thoại thực chất.
Về bản chất, thế giới quan của Thủ tướng Friedrich Merz không giống cựu Ngoại trưởng Annalena Baerbock về mặt hình thức, nhưng cũng cho thấy một tư duy đối ngoại được hình thành trong “thời kỳ đơn cực” - thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ 20 và 21, khi phương Tây giữ vai trò trung tâm trong trật tự toàn cầu.
Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Thủ tướng Đức Friedrich Merz ký kết hiệp ước hợp tác song phương sâu rộng hôm 17/7 tại London. (Getty Images)
Bài toán trở lại vai trò dẫn dắt
Tham vọng của ông Merz là lãnh đạo Đức trong một thế giới mà phương Tây vẫn giữ vai trò dẫn dắt. Điều này khiến ông khó thích nghi với thực tế đang hình thành: một trật tự thế giới đa cực, nơi các trung tâm quyền lực và ảnh hưởng ngày càng phân tán. Không thể phủ nhận sự cứng rắn trong quan điểm chính sách này lại chính là điểm mạnh giúp ông nổi bật trong giai đoạn hậu chính quyền Angela Merkel, khi nhiều cử tri cho rằng chính sách thỏa hiệp kéo dài đã làm xói mòn vai trò lãnh đạo truyền thống của nước Đức. Tuy nhiên, điều bất ngờ là di sản mà ông tìm cách khôi phục có vẻ như lại đang thúc đẩy xu hướng quân sự hóa và gia tăng đối đầu với Nga.
Cũng như cựu Ngoại trưởng Annalena Baerbock, Thủ tướng Friedrich Merz được giới quan sát cho là người không được đánh giá cao về khả năng đàm phán linh hoạt, đặc biệt với các đối tác phức tạp. Ngay cả những cộng sự thân cận cũng thừa nhận ông có xu hướng cứng rắn và ít cởi mở với các quan điểm đối lập. Truyền thông phương Tây tiết lộ, những cuộc tiếp xúc cấp cao, chẳng hạn với Tổng thống Mỹ Donald Trump, từng phải được chuẩn bị như các chiến dịch đặc biệt để tránh rơi vào khủng hoảng ngoại giao. Với bối cảnh đó, việc thiết lập đối thoại mang tính xây dựng giữa Thủ tướng Friedrich Merz và lãnh đạo Nga dường như là một viễn cảnh khó xảy ra trong hiện tại.
Tại Đức, ông Merz cũng ít thể hiện thiện chí đối thoại với các lực lượng phản biện trong nước. Ông xem các đảng đối lập như AfD hay Liên minh Sahra Wagenknecht là đại diện cho những ảnh hưởng từ bên ngoài, và do đó không nằm trong khuôn khổ đối thoại chính thống. Khi một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) kêu gọi điều chỉnh chính sách đối ngoại, ông thẳng thừng từ chối bình luận, cho rằng đây là vấn đề nội bộ của SPD. Trong khi đó, Ngoại trưởng Johann Wadephul được cho là sẽ tiếp tục duy trì lập trường thống nhất với Thủ tướng, mà không đưa ra sáng kiến riêng biệt nào.
Phát biểu của ông Merz rằng “ngoại giao đã cạn kiệt” không chỉ cho thấy lập trường cứng rắn trong việc đối thoại với Moscow, mà còn phản ánh phần nào tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ giữa Nga và phương Tây. Trong bối cảnh trật tự thế giới đang có nhiều biến chuyển, với vai trò ngày càng rõ nét của các quốc gia thuộc “đa số thế giới”, một số ý kiến cho rằng Đức có thể cân nhắc những cách tiếp cận linh hoạt hơn nhằm thúc đẩy đối thoại trên cơ sở bình đẳng. Tuy vậy, việc hiện thực hóa định hướng này không hẳn dễ dàng, nhất là khi chính sách đối ngoại hiện tại vẫn mang đậm ảnh hưởng từ những quan niệm truyền thống về vai trò của Đức trong trật tự quốc tế trước đây.
Hùng Anh