Việc Ukraine gia nhập EU vẫn gặp sự phản đối của nhiều nước thành viên chủ chốt trong khối. (Nguồn: Nghị viện châu Âu)
Ông Merz cho biết, ưu tiên của Đức là chấm dứt xung đột giữa Nga-Ukraine và tập trung vào việc tái thiết lâu dài cho đất nước bị xung đột quân sự tàn phá. Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Romania Nicușor Dan tại Berlin, ông Merz nói: “Đối với chúng tôi, ưu tiên hàng đầu trước hết là làm mọi thứ có thể để chấm dứt cuộc xung đột này. Sau đó, chúng ta sẽ nói về việc tái thiết Ukraine... nhưng điều đó sẽ mất nhiều năm... Nó có thể sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng tài chính trung hạn hiện tại của EU".
Như vậy, theo nhà lãnh đạo Đức, khả năng Ukraine gia nhập EU vào năm 2034 là rất khó có khả năng xảy ra, vì đây là thời điểm ảnh hưởng đến các kế hoạch tài chính trung hạn của khối này, kéo dài đến cùng năm với cột mốc trên.
Trước đó, hồi tháng 2/2025, phát biểu tại Kiev, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng, Ukraine có thể gia nhập EU trước năm 2030 nếu nước này tiếp tục cải cách với tốc độ và chất lượng hiện tại.
Các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết việc gia nhập EU sẽ là sự đảm bảo an ninh quan trọng nhất cho tương lai của Ukraine.
Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU ngay sau khi xung đột quân sự với Nga bùng nổ vào năm 2022 và được cấp tư cách ứng cử viên vào cuối năm đó. Quy trình gia nhập được xây dựng xung quanh sáu nhóm đàm phán bao gồm các cải cách chính trị, kinh tế và pháp lý. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đặt mục tiêu mở cửa tất cả sáu nhóm đàm phán vào năm 2025.
* Tuy nhiên, không chỉ riêng Thủ tướng Đức, nhiều nhà lãnh đạo EU khác vẫn tỏ rõ sự nghi ngại. ngày 17/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã nêu rõ tầm nhìn của ông về mối quan hệ của EU với Ukraine, muốn làm rõ tư cách của Kiev trước khi đàm phán gia nhập khối 27 nước thành viên.
Theo Thủ tướng Orban, việc đạt được hòa bình cần phải đặt lên hàng đầu, tiếp theo là các thỏa thuận dài hạn với Nga và quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine.
Phát biểu trên X, Thủ tướng Orban nhấn mạnh: "Trước hết, chúng ta cần khẩn đạt được một lệnh ngừng bắn và hòa bình. Sau đó, chúng ta phải xác định Ukraine thực sự là gì, về biên giới và dân số của nước này. Hiện nay, chúng ta thậm chí còn không biết Ukraine là nước nào hay nằm ở đâu.
Cuối cùng, một khi hòa bình và sự minh bạch được khôi phục, chúng ta có thể thiết lập các thỏa thuận lâu dài với Nga và đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine, qua đó bảo vệ chủ quyền của chúng ta và bảo đảm tương lai của châu Âu. Đây là điều chúng ta phải đạt được".
* Trước đó, ngày 14/7, phát biểu về vấn đề này tại thủ đô Zagreb trong chuyến thăm Croatia, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev khẳng định triển vọng gia nhập EU của Ukraine là rất rõ ràng, song con đường trở thành thành viên chính thức phải dựa trên các tiêu chí khách quan, đòi hỏi những cải cách sâu rộng, tương đương với các quốc gia ứng cử viên khác.
Theo ông, việc dành cho Ukraine quyền ưu tiên gia nhập EU chỉ vì lý do địa chính trị, mà không đòi hỏi những cải cách sâu rộng tương tự như các quốc gia Tây Balkan như về pháp quyền, chống tham nhũng, bầu cử tự do và tự do ngôn luận, sẽ gửi đi một tín hiệu không tích cực.
Tổng thống Bulgaria cũng lưu ý rằng, châu Âu đang phải đối mặt với thách thức lớn về an ninh lương thực và khả năng tự chủ trong sản xuất nông nghiệp. Ông nhắc lại rằng chỉ một năm trước, nông dân châu Âu đã xuống đường biểu tình vì lo ngại về hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine có tiêu chuẩn thấp hơn so với yêu cầu dành cho nông dân EU. “Chúng ta cũng cần đánh giá cẩn trọng chính sách nông nghiệp đối với Ukraine, bởi đây là một quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn”, ông Rumen Radev nhấn mạnh.
* Hồi tháng 6, Tổng thống đắc cử Ba Lan Karol Nawrocki cũng tuyên bố phản đối việc đẩy nhanh tiến trình Ukraine gia nhập EU, cho rằng điều này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế và nông nghiệp của các nước EU, trong đó có Ba Lan. Do đó, Ba Lan sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia của mình hơn.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống đắc cử Nawrocki cho rằng, khi thảo luận về vấn đề Ukraine gia nhập EU, cần phải xem xét kỹ lưỡng đến lợi ích của các quốc gia khác có thể bị tổn hại do quá trình này. Ba Lan sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine, tuy nhiên phản đối việc đẩy nhanh quá trình gia nhập EU của Ukraine.
(theo Kyivindependent, Reuters)
Chu Văn