Thủ tướng: Kiểm soát chặt việc đi lại trong bão, cấm biển nếu cần thiết

Thủ tướng: Kiểm soát chặt việc đi lại trong bão, cấm biển nếu cần thiết
5 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3.
Dự báo bão số 3 sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ chiều tối ngày 21/7, gây gió mạnh, mưa lớn. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội...
Theo Công điện, hiện nay, bão số 3 đang hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông, cường độ rất mạnh (cấp 12, giật cấp 15). Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ chiều tối ngày 21 tháng 7 năm 2025, gây gió mạnh, mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở trung du và miền núi, ngập lụt tại các vùng thấp trũng và đô thị.
Tiếp theo Công điện 112/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão số 3 và mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng bão phải hoàn tất việc kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền (cá, vận tải, du lịch) ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, lồng bè, chòi canh. Chủ động cấm biển nếu cần thiết.
Phải rà soát, sơ tán dân khỏi vùng trũng thấp, ven sông, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà yếu đến nơi an toàn. Địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó mọi tình huống.
Thủ tướng phân công các bộ trực tiếp chỉ đạo ứng phó tại địa phương: Bộ Quốc phòng tại Quảng Ninh, Bộ Công an tại Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại Ninh Bình, Bộ Xây dựng tại Hưng Yên, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thanh Hóa. Các bộ thành lập đoàn công tác, xuống cơ sở, nắm tình hình, hỗ trợ xử lý tình huống phát sinh.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường theo dõi sát bão, mưa lũ, cung cấp thông tin kịp thời, đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp. Bộ Giao thông vận tải kiểm tra an toàn các tuyến giao thông trọng điểm, chuẩn bị phương tiện khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt việc đi lại trong bão, tổ chức phân luồng giao thông, không để người dân đi qua vùng ngập sâu, nước xiết, sạt lở. Các địa phương phải gia cố nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là điện, thông tin liên lạc, có phương án khắc phục nhanh sự cố.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền kỹ năng phòng tránh thiên tai, cập nhật diễn biến bão, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được giao trực tiếp theo dõi, chỉ đạo triển khai Công điện. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kịp thời các tình huống phát sinh.
Linh Đan
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/thu-tuong-kiem-soat-chat-viec-di-lai-trong-bao-cam-bien-neu-can-thiet-192250720223233399.htm