Thủ tướng: Nỗ lực đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Thủ tướng: Nỗ lực đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
một giờ trướcBài gốc
Các báo cáo tại phiên họp cho thấy, từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 đã có những chuyển biến tích cực về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 19 dự án luật và 5 nghị quyết, nhất là đã ban hành 28 Nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền chính quyền địa phương 2 cấp; xác định 50 điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi số để đảm bảo cho chính quyền địa phương 2 cấp. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt; đã cắt giảm, đơn giản hóa 872 thủ tục hành chính và 118 điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Dịch vụ 5G được triển khai trên toàn quốc, đã lắp đặt 15.000 trạm 5G. Dự án Trung tâm dữ liệu quốc gia được triển khai quyết liệt, dự kiến khai trương đi vào vận hành ngày 19/8/2025. Công tác quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Đến nay, đã có 109 nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng với 2,1 tỷ hóa đơn điện tử. Thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh tế số đạt 98 nghìn tỷ đồng, tăng 58%.
Chính phủ số được đẩy mạnh, triển khai vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp gắn với phát triển chính quyền số. Dịch vụ công trực tuyến ngày càng được hoàn thiện, dần chuyển từ bị động sang chủ động phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu. Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Đức Long cho biết, 6 tháng đầu năm 2025 chỉ có Bộ Nội vụ đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết Thủ tục hành chính, còn lại 14/15 bộ và tất cả các địa phương không đạt mục tiêu.
"Theo chiến lược đến năm 2025 tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải là 80% nhưng thời điểm hiện nay chúng ta mới chỉ được 40%, đấy là cái mà chúng ta cần phải nỗ lực triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là khi chúng ta chuyển sang mô hình 2 cấp" - Ông Phạm Đức Long nói.
Các đại biểu dự phiên họp
Triển khai Đề án 06 được thúc đẩy mạnh, lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường quản lý xã hội và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát huy hiệu quả thiết thực thông qua việc mở rộng nhiều tiện ích, tích hợp giấy tờ thiết yếu, cẩm nang số và trợ lý ảo trên ứng dụng VneID. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và huy động hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được quan tâm. Nhiều doanh nghiệp, người dân đã tích cực tham gia, đồng hành cùng Chính phủ, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế xã hội.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nêu rõ thực tế còn hạn chế: "Qua khảo sát đánh giá các bộ, ngành gần như chưa xây dựng được nền tảng dùng chung của bộ ngành. Chính phủ cũng chưa hình thành được đầy đủ được nền tảng thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Nền tảng của các khối trong hệ thống chính trị hiện nay còn rất chia cắt, chưa kết nối liên thông, điển hình như các bộ nông nghiệp và môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế....không có sự thống nhất về nền tảng dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, liên thông, kết nối dữ liệu".
Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành nêu bật các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là các giải pháp vận hành chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao và thực hiện "cơ chế một cửa, một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết: "Tiếp tục tập trung đẩy mạnh số hóa hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính và đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tập trung giải quyết và tổ chức vận hành đồng bộ, hiệu quả của chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý và tăng cường kiểm tra theo dõi, xử lý các vướng mắc trong hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp thông suốt hiệu quả".
Các đại biểu dự phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã xác định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8,3-8,5% với tinh thần tăng trưởng nhanh, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững; trong đó phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng. Chính phủ cũng dành thêm nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đáp ứng yêu cầu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách nhằm tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
"Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải gắn với đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho. Giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực cho quá trình tổ chức thực hiện, đẩy mạnh hợp tác công tư để thực hiện. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, xử lý những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị xác định rõ các nhiệm vụ và sản phẩm cụ thể của những bộ, ngành, địa phương trong tháng 7, quý III và những tháng cuối năm. Trong đó, chọn từng vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai. Thủ tướng đề nghị xây dựng cơ sở dữ liệu, kiểm tra giám sát thường xuyên và gợi ý Bộ Tài Chính hoàn thành cơ sở dữ liệu về thu thuế hàng ăn, hàng dịch vụ; Bộ Nội vụ hoàn thành triển khai đánh giá cán bộ, công chức thông qua KPI.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Nhân vụ việc lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu: "Tàu xuất bến là biết ngay tàu đó xuất bến giờ nào, ai làm chủ tàu và bao nhiêu người, cụ thể thế nào, có chứng minh thư hết, trừ trẻ em, thậm chí có theo dõi các giấy tờ điện tử rất kỹ. Một sự việc xảy ra thì thấy sơ hở ngay. Công tác kiểm tra, giám sát phải rất thường xuyên, một sự việc xảy ra là biết ngay là lỗ hổng ở đây. Lên tàu thì cơ bản ổn định, không có vấn đề gì, nhưng trục trặc thì sao, trục trặc thì phải có số liệu ngay. Lấy ví dụ như thế để thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số, của cơ sở dữ liệu".
Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn lực để hoàn thành sớm các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xác định đây là động lực quan trọng, then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời là nhiệm vụ có tính đột phá chiến lược, quyết định hiệu quả quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thủ tướng giao Bộ Tài chính bố trí đủ ngân sách nhà nước, đảm bảo kinh phí và nguồn nhân lực thực hiện thành công của các chương trình, kế hoạch, đề án; trong đó, phải đầu tư đúng mức, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Lại Hoa/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-no-luc-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-chuyen-doi-so-post1216057.vov