Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần dứt khoát loại bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'!

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần dứt khoát loại bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'!
3 giờ trướcBài gốc
Đánh giá doanh nghiệp Nhà nước cần trên tổng thể giá trị mang lại
Đối với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nước ta là quốc gia đang phát triển, với nền kinh tế chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, khả năng chống chịu với các "cú sốc" bên ngoài còn hạn chế. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế, chính sách để huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nguồn lực hợp pháp phục vụ phát triển, bao gồm nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, phát hành trái phiếu, vay vốn, và hợp tác công tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23.11
Cơ chế, chính sách đúng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể đất nước, với xu thế của thời đại thì sẽ nhân đôi, thậm chí nhân ba sức mạnh, giúp chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho rằng, việc quản lý doanh nghiệp nhà nước đã trải qua nhiều mô hình khác nhau, tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chưa thực sự ổn định, do Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế. Việc định hình một mô hình quản lý phù hợp vẫn đang được thực hiện, với cách tiếp cận từng bước, vừa làm vừa nghiên cứu và mở rộng dần, "tránh nóng vội nhưng cũng không quá cầu toàn". Mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng vẫn có những hạn chế cần tiếp tục suy nghĩ và tổng kết để hoàn thiện.
Cũng theo Thủ tướng, hoạt động của doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. "Can thiệp như thế sẽ làm méo mó thị trường. Không phải cơ quan hành chính mà can thiệp là không đúng quy luật, không phù hợp về tư duy và sự phát triển. Nên quản lý các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam", Thủ tướng nêu quan điểm.
Về kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng đề xuất quy định Hội đồng Quản trị chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình, làm sao bảo tồn và phát triển được vốn nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ định hướng và có công cụ kiểm tra, giám sát, không để thất thoát, lãng phí, chống tiêu cực. Song Thủ tướng cũng lưu ý, quy định của pháp luật phải rõ để người làm có thể sáng tạo và không e sợ.
Thủ tướng cũng lưu ý, cần đẩy mạnh phân cấp và quy định rõ ràng trong luật. Với vốn của doanh nghiệp Nhà nước, Hội đồng Quản trị phải quyết định việc đầu tư vào đâu, nếu quyết định sai thì phải chịu trách nhiệm, không phải xin các cấp hành chính.
Theo Thủ tướng, những yếu tố quan trọng làm nên thành công với bất kỳ công việc nào là thời gian, trí tuệ và quyết định kịp thời, đúng lúc. Dẫn quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, trong đó có lãng phí thời gian, Thủ tướng khẳng định thời gian là tiền bạc, "loay hoay" xin thêm một cấp hành chính nữa sẽ làm lãng phí thời gian.
Thủ tướng đồng tình với cơ quan thẩm tra khi nêu quan điểm doanh nghiệp Nhà nước cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại, dựa trên hiệu quả chung, không đánh giá từng việc một, tạo không gian khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Thủ tướng cũng đề nghị trong dự thảo Luật nên quy định rõ quản lý tới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (doanh nghiệp F1) hay tới doanh nghiệp F2, F3, F4… và tới người chịu trách nhiệm trực tiếp, còn lại để doanh nghiệp quản lý cấp dưới. "Quản lý doanh nghiệp Nhà nước cũng cần theo cơ chế này, không can thiệp sâu vào các doanh nghiệp F3, F4".
Thủ tướng đề nghị rà soát lại dự thảo Luật theo hướng đổi mới, phân cấp, quản lý phù hợp với quy luật thị trường, đồng thời thiết kế các công cụ để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, cần dứt khoát loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Các bộ, ngành cần thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thông qua các công cụ như chương trình, kế hoạch, luật pháp, cơ chế, chính sách, cùng với việc giám sát, kiểm tra, thi đua - khen thưởng, tổng kết và đúc rút kinh nghiệm.
"Khi ban hành Luật, cần giải quyết được những vướng mắc hiện tại, đáp ứng các vấn đề thực tiễn đang đặt ra nhưng chưa có quy định, đồng thời loại bỏ những quy định lạc hậu không còn phù hợp. Tinh thần là phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo hiệu quả", Thủ tướng nói.
Cứ giữ vòng an toàn thì không gian sáng tạo sẽ hạn chế
Về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng khẳng định việc ban hành Luật là cần thiết, vì chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phát triển mới.
“Muốn phát triển lĩnh vực nào thì phải có ưu đãi. Chúng ta đang ưu tiên tăng trưởng, thì ngoài việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó có lĩnh vực công nghệ số”, Thủ tướng nói.
Ví dụ, với ngành chip bán dẫn, Thủ tướng cho rằng, muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới này, do đó, phải có ưu tiên về đất đai, thuế, phí, lệ phí, cung cấp điện, nước, hạ tầng và tài chính… Việc thu hút doanh nghiệp lớn phải tính toán kỹ lưỡng lợi ích quốc gia trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Phải lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không chỉ tính toán lợi ích cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số chỉ quy định khung, nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định cụ thể
Đối với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), Thủ tướng cho rằng, "nếu cứ giữ vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ hạn chế, trong khi đổi mới để vươn cao, sáng tạo để bay xa".
Thủ tướng cho rằng, nếu thử nghiệm không gian sáng tạo thì nên mở rộng phạm vi và đối tượng thử nghiệm thuộc ngành công nghệ số; còn nếu cần thì kiểm soát về thời gian. Theo Thủ tướng, kiểm soát thời gian hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng. Ví dụ, cho phép thử nghiệm một năm, nếu làm tốt thì tiếp tục mở rộng, nếu không tốt thì hạn chế, dừng lại.
Thủ tướng cũng cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta trong ngành công nghệ số là nguồn nhân lực, trong khi dân số Việt Nam trẻ và người Việt Nam có tư duy toán học tốt. Do đó, phải có chính sách để khuyến khích các cơ sở giáo dục đào tạo tăng cường đào tạo nhân lực cho bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật…
Đồng thời, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đang phát triển trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, tác động tới mọi người, mọi nhà và sẽ để lại khoảng cách lớn rất nhanh với những người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…, do đó phải có chính sách hỗ trợ với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, do tình hình đang biến đổi rất nhanh, Thủ tướng đề nghị trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số chỉ quy định khung, nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định. Quốc hội tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc và điều chỉnh nếu thấy chưa được để "vừa mở rộng không gian sáng tạo, vừa nâng cao hiệu quả quản lý".
Đặc biệt, với cả 2 dự án luật, Thủ tướng lưu ý cần quy định về điều khoản chuyển tiếp và áp dụng pháp luật để không tạo khoảng trống pháp lý và xử lý được khi các luật có quy định khác nhau.
Hà Lan
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-can-dut-khoat-loai-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-post397292.html