Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, về mặt lý thuyết đất nước ông có thể rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) bởi vì khối kinh tế ban đầu đã trở thành một liên minh chính trị áp đặt lập trường của mình lên vấn đề di cư, chính sách giới và xung đột.
Ông Orban cho biết, mặc dù tư cách thành viên EU vẫn có lợi cho Hungary, nhưng sẵn sàng xem xét lại nếu tình hình thay đổi. Tuyên bố này đã làm gia tăng các cuộc thảo luận về tương lai của Hungary trong EU và mối quan hệ của nước này với Brussels.
Thủ tướng Orban nhấn mạnh rằng EU mà Hungary gia nhập năm 2004, đã thay đổi đáng kể. "Brussels không áp đặt lập trường lên các nước về vấn đề di cư, giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên hay việc tham gia vào các cuộc xung đột quân sự".
Ông Orban đã so sánh các chính sách hiện tại của EU với Brexit và cho biết Hungary đang tìm cách bảo vệ lợi ích của mình từ bên trong, nhưng khả năng rời khỏi EU, hay còn gọi là "Huxit", vẫn nằm trong chương trình nghị sự.
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh vẫn còn những bất đồng với EU, bao gồm việc đình chỉ hơn 1 tỷ euro tài trợ cho Hungary từ tháng 1/2025 do Budapest vi phạm quy định chung.
Hungary dưới sự lãnh đạo của ông Orban thuộc đảng Fidesz, từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng với EU. Năm 2012, bản hiến pháp được thông qua, đổi tên nước từ Cộng hòa Hungary thành Hungary và đưa ra điều khoản về thống nhất dân tộc dựa trên các giá trị Kitô giáo.
Những thay đổi bao gồm lệnh cấm phá thai và hôn nhân đồng giới, đã vấp phải sự chỉ trích từ Brussels. Ông Orban cũng lên tiếng phản đối chính sách di cư của EU và việc Ukraine gia nhập khối, dẫn đến những cáo buộc rằng ông đang làm suy yếu sự thống nhất của liên minh.
Vào tháng 6/2025, chiến dịch "Bỏ phiếu 2025" của ông đã thu thập được 2,27 triệu phiếu bầu phản đối tư cách thành viên EU của Ukraine, điều mà Bộ Ngoại giao Ukraine gọi là sự thao túng.
Những lời bàn tán của ông Orban về khả năng rời khỏi EU không phải là mới. Năm 2021, tờ báo thân chính phủ Magyar Nemzet đã đăng một bài viết kêu gọi một phong trào "Huxit", lập luận rằng các giá trị phương Tây trái ngược với các giá trị truyền thống của Hungary.
Tuy nhiên các nhà khoa học chính trị như Péter Krekó chỉ ra rằng hầu hết người Hungary vẫn ủng hộ châu Âu, và việc rời khỏi EU có thể khiến một bộ phận cử tri đáng kể xa lánh trước cuộc bầu cử năm 2026.
Thủ tướng Orban có thể sẽ sử dụng luận điệu rời khỏi EU như một công cụ để gây áp lực buộc Brussels phải nhượng bộ, bao gồm cả việc giải tỏa các khoản đóng băng quỹ của EU.
Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Orban cũng gây nhiều tranh cãi. Các chuyến thăm của ông tới Moskva, Bắc Kinh và Shusha vào năm 2024, cũng như việc chặn viện trợ quân sự cho Armenia thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu vào tháng 4/2025 đã làm gia tăng sự chỉ trích.
Chuyến thăm Nga vào tháng 7/2024 thậm chí còn dẫn đến việc Hungary tạm thời bị đình chỉ chức Chủ tịch Hội đồng EU, một động thái chưa từng có tiền lệ.
Thủ tướng Orban đã tự định vị mình là một người ủng hộ "hòa bình", phản đối sự can dự của NATO vào cuộc xung đột Ukraine, điều này trái ngược với đường lối chung của liên minh.
Hậu quả kinh tế của việc Hungary có thể rời khỏi EU sẽ rất đáng kể. Quốc gia này đã nhận được khoảng 6,3 tỷ euro tiền tài trợ của Liên minh châu Âu vào năm 2023, một phần lớn trong ngân sách của họ.
Việc mất đi khoản tiền này, như việc ngừng tài trợ năm 2025 đã cho thấy, sẽ làm trầm trọng thêm suy thoái, đẩy lạm phát lên tới 4,1% và làm suy yếu đồng forint.
Thủ tướng Orban thừa nhận rằng việc ở lại EU hiện có lợi hơn, tuy nhiên những lời lẽ của ông nhằm mục đích huy động cử tri theo chủ nghĩa dân tộc trước cuộc bầu cử, nơi đảng Fidesz sẽ phải đối mặt với phe đối lập Tisza đang ngày càng được ủng hộ.
Mặc dù vậy những lời nói của ông Orban chắc chắn sẽ làm căng thẳng gia tăng giữa Hungary và các quốc gia còn lại của Liên minh châu Âu, có thể dẫn tới phong trào đòi "trục xuất" Budapest.
Bạch Dương
Theo Reporter