Chiếc SUV Jeep Grand Cherokee từng là mơ ước của nhiều người trẻ Trung Quốc cách đây hơn 10 năm đã nhanh chóng trở nên lỗi thời trước làn sóng xe điện bùng nổ tại quốc gia tỷ dân. (Nguồn: TNS)
Giống như nhiều người thuộc thế hệ Millennials (bao gồm những người sinh từ đầu thập niên 80 đến giữa thập niên 90) ở Trung Quốc, tuần trước Alice Yu đã vô cùng đau buồn khi nghe tin liên doanh sản xuất xe Jeep tại Trung Quốc tuyên bố phá sản.
Người phụ nữ ngoài 40 tuổi nhớ lại món quà khó quên mà bạn trai đã tặng cô vào đầu những năm 2010: một chiếc Jeep Grand Cherokee nhập khẩu có giá hơn 400.000 NDT (khoảng 55.700 USD). Khi đó, Alice Yu đang sinh sống tại Thâm Quyến, là một Giám đốc truyền thông với tương lai đầy triển vọng, và chiếc SUV sang trọng đến từ thương hiệu Jeep tượng trưng cho “giấc mơ Mỹ” về tự do và thịnh vượng mà thế hệ cô khao khát.
Nhưng giờ đây, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Thương hiệu ô tô tiếng tăm đến từ nước Mỹ đã ghi nhận sự giảm sút doanh số nghiêm trọng tại thị trường Trung Quốc, lâm vào cảnh nợ nần và phá sản vào tháng 7/2025.
Ngày 8/7, Stellantis và Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC) thông báo liên doanh Trung Quốc GAC Fiat Chrysler Automobiles chính thức tuyên bố phá sản. Đây là bước cuối cùng trong quá trình giải thể sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả tại thị trường Trung Quốc.
Liên doanh giữa Fiat và GAC bắt đầu trước khi Fiat sáp nhập với Chrysler. Đến năm 2014, nhà máy sản xuất xe Jeep được xây dựng tại Trung Quốc, chuyên lắp ráp các mẫu xe như Compass, Renegade, Cherokee và Grand Commander cho thị trường trong nước.
Grand Commander là mẫu xe độc quyền tại Trung Quốc, phát triển từ Cherokee với chiều dài gia tăng và cấu hình ba hàng ghế. Mẫu xe được xem là bước nối tiếp của dòng Commander trước đây, đã dừng bán tại Mỹ.
Năm 2022, dưới thời ông Carlos Tavares, Stellantis quyết định dừng hoạt động nhà máy Jeep tại Trung Quốc. Nguyên nhân được đưa ra gồm hiệu quả kinh doanh thấp, doanh số xe phương Tây giảm mạnh tại Trung Quốc và các rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng.
Stellantis - Tập đoàn đa quốc gia khổng lồ sở hữu các thương hiệu bao gồm Peugeot, Fiat, Chrysler và Maserati. Nhưng ở Trung Quốc, Stellantis từ lâu luôn gắn liền với Jeep – một thương hiệu biểu tượng có lịch sử tại quốc gia Đông Bắc Á, khởi nguồn vào năm 1949, khi một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Chủ tịch Mao Trạch Đông chào quân đội Trung Quốc từ chiếc xe Jeep Willys của quân đội Hoa Kỳ.
Sự thất bại của liên doanh hàng đầu tại Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới tiếp tục căng thẳng, nhưng trên thực tế, thất bại của liên doanh này là bài học cho mọi nhà sản xuất ô tô toàn cầu.
Đối với các nhà phân tích, câu chuyện của Jeep cho thấy ngay cả những thương hiệu thành công nhất cũng dễ bị tổn thương trước những thay đổi chóng mặt đang diễn ra trên thị trường ô tô Trung Quốc.
“Đây sẽ không chỉ là liên doanh cuối cùng phá sản”, Zhou Lijun, Giám đốc kiêm nghiên cứu viên chính thuộc Công ty phân tích ngành công nghiệp ô tô Yiche Research, cho biết.
Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng mà các nhà sản xuất ô tô liên doanh truyền thống hiện phải đối mặt được cho là họ không thể theo kịp sự chuyển đổi cơ cấu của thị trường Trung Quốc theo hướng điện khí hóa, công nghệ thông minh và nội địa hóa.
Không ai nghĩ rằng trong một thời gian ngắn, Jeep có thể “thua cuộc” bởi chỉ vài năm trước đây, thương hiệu này rất thành công tại Trung Quốc và luôn được giới trẻ của đất nước tỷ dân ao ước. Thậm chí từ “Jeep” còn là một trong những từ tiếng Anh đầu tiên mà trẻ em Trung Quốc học được.
Sau khi GAC Fiat Chrysler Automobiles bắt đầu sản xuất SUV Jeep tại Trung Quốc vào năm 2015, doanh số của công ty chứng kiến sự tăng vọt, đạt đỉnh 220.000 chiếc hai năm sau đó.
Nhưng vận may của liên doanh này nhanh chóng bị đảo ngược khi những khiếu nại của người tiêu dùng về các vấn đề chất lượng ngày càng tăng và công ty không theo kịp sự đổi mới nhanh chóng diễn ra trên thị trường xe điện. Đến năm 2021, doanh số của liên doanh này đã giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 20.000 chiếc.
Năm 2022, liên doanh này đã nộp đơn xin phá sản khi khoản nợ được cho là đã tăng vọt lên hơn 4 tỷ NDT. Công ty thậm chí còn gặp khó khăn trong việc bán tài sản nhà máy.
“Không ai trong số bạn bè tôi hiện nay muốn mua xe Jeep - giấc mơ Mỹ đã hoàn toàn phai nhạt”, Alice Yu nói. Bản thân cô hiện đang lái xe Mercedes-Benz, nhưng cũng đang cân nhắc đến sở hữu một chiếc xe minivan mới có “nội thất và tính năng khá tuyệt vời” đến từ những thương hiệu xe điện khởi nghiệp của Trung Quốc như Li Auto hay Nio.
Điều đáng chú ý, Jeep không phải là thương hiệu ô tô nước ngoài duy nhất rơi vào cảnh lao đao tại thị trường Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Du lịch Trung Quốc (CPCA), thị phần của các liên doanh xe giữa Trung Quốc và các nhà sản xuất nước ngoài đã giảm xuống chỉ còn 27,5% vào năm 2024, từ mức hơn 50% vào năm 2018.
Sự dịch chuyển chóng mặt của thị trường xe hơi Trung Quốc được thúc đẩy bởi cuộc cách mạng xe điện của Trung Quốc đã khiến nhiều công ty nước ngoài “trở tay không kịp”.
Nếu như đầu năm 2021, xe điện mới chỉ chiếm 7% tổng doanh số bán xe tại Trung Quốc thì đến tháng 7/2024, con số này đã tăng lên hơn 50%, theo dữ liệu của CPCA.
Một thập kỷ trước, các thương hiệu ô tô của Mỹ và châu Âu được coi là biểu tượng của chất lượng, sự tinh tế và độ tin cậy tại Trung Quốc thì giờ đây, quan niệm này đã hoàn toàn thay đổi.
Đối với người dùng trẻ tuổi Trung Quốc, ô tô nước ngoài đồng nghĩa với sự lỗi thời, vì nhiều mẫu xe thậm chí có thông số kỹ thuật thấp hơn và ít tiện ích bổ sung hơn so với các thương hiệu nội địa.
“Khách hàng luôn muốn thiết kế tốt hơn, tính năng tiên tiến và tích hợp kỹ thuật số liền mạch, nhưng vấn đề là các thương hiệu liên doanh hầu hết chỉ mang các mẫu xe châu Âu hoặc Mỹ hiện có sang Trung Quốc - vốn không còn được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nữa”, Zhou Lijun phân tích.
Chuyên gia này dự báo, thị phần của các nhà sản xuất ô tô liên doanh có thể giảm xuống dưới 20% hoặc thậm chí thấp hơn trong vài năm tới. “Để tồn tại, hy vọng duy nhất của họ là đầu tư mạnh vào việc xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển thực sự tại Trung Quốc. Nhưng đối với hầu hết các thương hiệu nước ngoài, đó là một nhiệm vụ gần như bất khả thi”, bà nói.
(theo SCMP)
Hồng Châu