Trưởng nam của họa sĩ Lê Thiết Cương là Lê Nguyên Nhật thông báo, tang lễ của họa sĩ diễn ra vào 9h30 ngày 21/7/2025, tại Nhà tang lễ Quốc gia. Lễ truy điệu và di quan diễn ra vào 11h cùng ngày. Họa sĩ được an táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn - Hòa Bình).
Sự ra đi của ông, ở độ tuổi 63, để lại một khoảng lặng trong giới nghệ thuật, và trong lòng nhiều người bạn, người quen, những hậu bối từng có cơ hội được ông dìu dắt.
Tiếc thương người giữ hồn nghệ thuật tối giản
Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962 trong một gia đình nghệ thuật tại Hà Nội: bố ông là biên kịch - nhà thơ Lê Nguyên, mẹ ông là đạo diễn Đỗ Phương Thảo. Từ ngày nhỏ, nhờ những cuốn sách Phật giáo, triết lý phương Đông trong tủ sách gia đình, tâm hồn Lê Thiết Cương đã thấm đẫm văn hóa Á Đông.
Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.
Năm 23 tuổi, ông bắt đầu theo học trường điện ảnh tại Hà Nội, 2 năm học thiết kế và 3 năm học làm phim hoạt hình. Trong thời gian sinh viên này, ông thường xuyên lui tới nhà của nhà thơ Đặng Đình Hưng - cũng là nơi ghé chơi của nhiều văn nghệ sĩ tại Hà Nội. Nhà thơ Đặng Đình Hưng là người đã khám phá ra tố chất nghệ thuật tối giản của Lê Thiết Cương, khuyến khích ông theo đuổi con đường này.
Những năm 90, tốt nghiệp đại học, Lê Thiết Cương hòa mình vào làng mỹ thuật Đổi mới. Ông bắt đầu định hình phong cách cá nhân: hội họa tối giản đượm chất thiền. Chính ông từng tự nhận rằng: “Tôi không làm được gì ngoài tối giản. Tối giản là 'cá tính cốt tử' của tôi, là ADN, là vân tay, là căn cước tôi”. Trên hành trình hội họa tối giản đó, ông đã thực hành đa dạng các loại hình từ tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu trên vải màn bồi giấy dó, gốm mosaic…
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông có nhiều triển lãm cá nhân trong nước và quốc tế, nhiều giải thưởng, ngày càng thể hiện rõ tối giản đã trở thành danh tính của Lê Thiết Cương. Ông đa tài, yêu cái đẹp, tiếp tục thử sức ở các lĩnh vực nghệ thuật thị giác khác như nhiếp ảnh, thiết kế sân khấu…
Rước Rồng (bột màu vải màn bồi giấy dó) - một tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.
Bên cạnh cầm cọ vẽ, Lê Thiết Cương là người sắc sảo trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Ông viết nhiều bài trên báo, tạp chí về văn hóa truyền thống, đời sống nghệ thuật, đời sống Hà Nội. Ông còn ra mắt nhiều đầu sách có giá trị lớn về nghệ thuật như Thấy (2017), Nơi chốn và đi về (2017), Nhà và người (2024). Tác phẩm Trò chuyện với hội họa mới ra mắt 2025, quy tụ 70 bài viết phê bình của ông về mỹ thuật, điêu khắc, gốm… suốt từ năm 2000 tới nay.
Nhìn lại sự nghiệp rực rỡ, lượng tác phẩm đồ sộ, chất lượng tác phẩm có giá trị lớn với cộng đồng của Lê Thiết Cương, có thể thấy ông là một người hay nghĩ, hay làm, tư duy sâu rộng về nghệ thuật và đời sống.
Trước sự ra đi của Lê Thiết Cương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã có những lời tiếc thương nghệ sĩ. Trên trang cá nhân, ông viết: “Nói rằng: đó là một họa sĩ tài hoa đã tối giản cái sống và cái vẽ của mình để thành một tối giản Lê Thiết Cương riêng anh. Nói rằng: đó là một người văn hóa trong đời sống và trong văn chương nghệ thuật. Văn hóa tinh tế, lịch lãm, nghiêm cẩn, kiêu hãnh và cả kênh kiệu.
Nói rằng: đó là một người biết trân trọng, đề cao và phát huy những giá trị tinh thần văn chương nghệ thuật mà mình yêu quý, coi trọng, cả của các bậc tiền bối và các đồng nghiệp anh em. Nói rằng: đó là một người không phải dễ chịu dễ gần nhưng thâm tâm anh biết mình biết người. Và khi đã tìm được đồng điệu tri âm thì Cương là người sống hết tình cảm của mình”.
Một người hết lòng vì nghệ thuật, vì người làm nghệ thuật
Lê Thiết Cương không chỉ là một nghệ sĩ đa tài, mà ông còn được giới văn nghệ sĩ kính trọng, yêu mến bởi tấm lòng hào hiệp rộng mở, bởi tinh thần tương trợ cho nghệ sĩ. Ông hay nghĩ cho bạn bè, nghĩ cho hậu bối, hay tiếc cho tài năng hay vẻ đẹp nào đó chưa có cơ hội tỏa sáng. Với lớp họa sĩ trẻ, ông là người tiền bối luôn sẵn lòng dẫn dắt. Với bạn bè, ông là người trọng tài năng, trọng tình nghĩa.
Ông đóng vai hỗ trợ, thậm chí là chủ động đề xuất ý tưởng cho nhiều dự án của bạn hữu nghệ sĩ. Ông có công lớn cho sự ra đời của các cuốn sách như Những người muôn năm cũ của nhiếp ảnh gia Hà Trương, tập tác phẩm của Đào Trọng Khánh, tuyển tập thơ họa Đặng Đình Hưng, tuyển tập thơ Phan Đan…
Ông tổ chức triển lãm Gốm Thiệp, huy động nghệ sĩ cùng sáng tạo gốm dựa trên cảm hứng văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Ông kiến tạo không gian ra mắt sách đầy cá tính cho Như Bình. Ông mở triển lãm Mặt khác cùng Đinh Công Đạt và Nguyễn Việt Hà.
Ông hoạt động sôi nổi trong đời sống nghệ thuật như vậy, nên có lẽ nhiều người quen không biết họa sĩ Lê Thiết Cương đã mắc ung thư vài năm nay. Trước khi ông mất một tuần, ông trở bệnh nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Một trong những bức hình cuối cùng đồng nghiệp chụp cùng họa sĩ. Ảnh: Báo Tiền Phong.
Nhiều văn nghệ sĩ bày tỏ nỗi tiếc thương, có phần bất ngờ trước sự ra đi của người họa sĩ nghĩa tình. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ trên trang cá nhân: “Cuối cùng Cương đã được về nhà, nơi Cương đã sống những tháng năm đẹp nhất, sáng tạo nhất, hạnh phúc nhất và cũng đau đớn nhất, nơi những người bạn chân thành nhất đã bên anh, nơi Cương bày con người anh ra mà không hề che giấu: thông thái, tài hoa, mê đắm, kiêu ngạo, nhân ái, điên rồ, yếu đuối.
Cho dù đoạn đường đời Cương đi chưa phải dài, nhưng Cương đã đi một cách trọn vẹn đoạn đường ấy: sống đúng con người Cương ở nhiều nghĩa và không sợ hãi. Người bị bệnh ung thư thường tỉnh táo đến giây phút cuối cùng. Khi nhìn Cương tôi biết thời gian của Cương không còn nhiều nữa. Trong đôi mắt Cương nhìn bạn bè, tôi nhận ra ánh sáng của sự sống đang dần tắt nhưng tôi không nhìn thấy bất cứ một tia sợ hãi nào trong đó. Vĩnh biệt Cương thân yêu”.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhà văn Lê Minh Hà xúc động: “Bọn tôi Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Hà là người của một thời Hà Nội mà nếu nhìn bằng mắt thì gần như đã không còn. Nhưng cảm, thì còn đó, còn mãi đó. Cảm thì không kể được. Hai ngày trước tôi nhắn bạn tôi mấy dòng ở trên. Lại định gửi để một người bạn đọc cho Cương nghe khi đưa sách mới của Cương tới cho bạn ấy. Nhưng không kịp nữa rồi. Nhưng cũng không sao. Mọi linh hồn nghệ sĩ đều biết cảm. Tôi tin là chúng tôi thanh thản với mong muốn sống như người. Gửi Cương một bàn tay nắm từ xa”.
Đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh nhớ lại những ký ức được tiếp xúc với họa sĩ Lê Thiết Cương. Khoảng 12 năm trước, Phi Phi Anh bất ngờ khi nhận được tin nhắn mời tới nhà chơi của họa sĩ Lê Thiết Cương. Sự tình là khi ấy, nghệ sĩ Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, có đi xem vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối của Phi Phi Anh về đã rất thích và kể cho họa sĩ Lê Thiết Cương. Đồng thời, ở thời điểm đó, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại sống ở cùng khu phố nơi mà nhóm bạn trẻ tập luyện cho vở nhạc kịch, ngày nào ông cũng đi ngang qua và thấy tụi trẻ con này tập tành diễn cái gì đó. Vốn giao tình thân thiết với họa sĩ Lê Thiết Cương, nên các nghệ sĩ gọi nhau tới chơi.
"Chú Cương luôn là người sắc sảo, thông minh vô cùng khi nhìn ra những điểm hay, song lại cực kỳ khéo léo, tế nhị, khi nói về những cái dở. Chú làm cho mình cảm thấy được truyền cảm hứng, được tôn trọng và khích lệ. Tôi thấy buồn, nặng trĩu trong lòng khi từ giờ đã mất đi một người thầy, người bạn trong nghệ thuật".
Cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Lê Thiết Cương là một câu chuyện rực rỡ của tài năng, của tình thân, của tâm hồn yêu quý cái đẹp và người làm ra cái đẹp. Những năm tháng cuối đời, ông vẫn luôn sống với tinh thần cống hiến vì cộng đồng và nghệ thuật. Con người và tác phẩm của Lê Thiết Cương vẫn sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ mai sau.
Thúy Hạnh