Bộ Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố đơn đặt hàng sản xuất nguyên mẫu tiêm kích thế hệ 5 KAAN thứ sáu, đánh dấu bước tiến quan trọng của dự án.
Điều này cho phép Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) tiến hành các thử nghiệm quan trọng cần thiết để chuẩn bị cho việc sản xuất hàng loạt và đưa máy bay vào thành phần chiến đấu.
Nguyên mẫu mới sẽ đẩy nhanh các cột mốc quan trọng của chương trình, bao gồm thử nghiệm trong đường hầm gió, đánh giá môi trường, kiểm tra hệ thống điện tử hàng không, thử nghiệm lăn bánh tốc độ cao và chạy thử trên đường băng.
Những hoạt động này là cần thiết để xác nhận độ tin cậy cũng như khả năng chiến đấu của KAAN, vốn được định vị là máy bay chiến đấu tàng hình đa năng cơ động cao và sở hữu tốc độ siêu âm.
Dự án KAAN, bắt đầu vào năm 2010 như một phần của chương trình TF-X, là phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị Mỹ loại khỏi chuỗi cung ứng F-35 vào năm 2019 do mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Máy bay KAAN với 2 động cơ, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và khoang vũ khí bên trong, đang được phát triển để thay thế cho các tiêm kích F-16 đã cũ của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyến bay đầu tiên của nguyên mẫu diễn ra ngày 21/2/2024, sớm 2 năm so với kế hoạch, kéo dài 13 phút trên căn cứ không quân Mürted gần Ankara. Máy bay đạt độ cao 2.420 mét và tốc độ 425 km/h, đánh dấu thành tựu lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
KAAN có hiệu suất tương đương các tiêm kích thứ 5 hàng đầu như F-22 và F-35 của Mỹ, J-20 và J-35 của Trung Quốc, Su-57 của Nga. Máy bay dài 21 mét, sải cánh 14 mét và đạt tốc độ tối đa Mach 2 (khoảng 2.450 km/h).
Tầm hoạt động chiến đấu vượt quá 1.000 km, cho phép thực hiện nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công chính xác. Máy bay có radar mảng pha chủ động, hệ thống tác chiến điện tử và tìm kiếm mục tiêu hồng ngoại, mang lại khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Một trong những khía cạnh quan trọng của chương trình là việc phát triển động cơ do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, hợp tác với Rolls-Royce, sẽ thay thế động cơ General Electric F110 của Mỹ được sử dụng trong các nguyên mẫu.
Theo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, việc tích hợp động cơ nội địa đang diễn ra đúng tiến độ, và các phiên bản tiêm kích KAAN block 30 và block 40 sẽ tận dụng tối đa công nghệ này.
KAAN dự kiến được sản xuất hàng loạt vào năm 2028, với 20 chiếc đầu tiên được đưa vào biên chế Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cùng năm. Dự kiến khả năng chiến đấu đầy đủ sẽ đạt được vào năm 2035.
Ankara cũng coi KAAN là một nền tảng xuất khẩu. Năm 2024, hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết để cung cấp 48 máy bay cho Indonesia.
Azerbaijan - nơi sẽ sản xuất một số linh kiện, và Ukraine - quốc gia có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân, đã thể hiện sự quan tâm đến chiếc máy bay chiến đấu này.
Ankara hy vọng sẽ thu hút các quốc gia khác đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho máy bay chiến đấu phương Tây, đặc biệt là những nước phải đối mặt với những hạn chế trong việc mua F-35.
Dự án này ước tính tiêu tốn 10 tỷ đô la, nhưng các quan chức TAI cho biết KAAN sẽ có giá cạnh tranh với F-35, khiến tiêm kích này trở nên hấp dẫn đối với các quốc gia đang tìm kiếm công nghệ tiên tiến mà không bị ràng buộc chính trị bởi việc mua sắm vũ khí Mỹ.
Bạch Dương
Theo The War Zone