Quốc hội họp phiên bế mạc chiều 30/11. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Tại phiên bế mạc chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8.
Theo Nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật và 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai thi hành luật, nghị quyết vừa được thông qua, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.
Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã cơ bản hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2024.
Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong các báo cáo, tờ trình của Chính phủ đã trình Quốc hội.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trình ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp, bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”...
Giao Chính phủ tổng kết và báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện các Nghị quyết số 120/2020/QH14, số 24/2021/QH15, số 25/2021/QH15 và các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia và đề xuất Chương trình cho giai đoạn 2026 - 2030. Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 (bao gồm cả vốn năm 2022, năm 2023 được chuyển nguồn sang năm 2024) đến hết ngày 31/12/2025.
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Theo Nghị quyết, Quốc hội cũng quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định; khẩn trương ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam, trước mắt chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp Nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia; thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững...
Các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Đầu tư công (sửa đổi);
Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Đinh Nhung