Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân” diễn ra ngày 18/7/2025, do Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và NHNN tổ chức, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, thẩm phán, lãnh đạo TCTD chỉ ra những bất cập trong pháp luật và thực tiễn xử lý các vụ án liên quan đến hợp đồng tín dụng.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là khi phát sinh tranh chấp liên quan đến TSBĐ, trong một số vụ án, các TCTD bị tuyên vô hiệu hợp đồng bảo đảm, dù tài sản được thế chấp theo đúng quy định pháp luật. Điều này dẫn đến việc mất quyền xử lý TSBĐ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu hồi nợ. Trong bối cảnh các khách hàng không hợp tác trả nợ, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào TSBĐ, nên việc hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu khiến nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng “mất trắng”.
Bên cạnh đó, một số vụ án còn kéo dài do phát sinh nhiều quan hệ tranh chấp phức tạp như: quyền sở hữu, thừa kế, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... khiến tiến trình xét xử bị chậm trễ và các TCTD rơi vào thế bị động.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh dẫn chứng trong giai đoạn từ 1/10/2021 đến 4/7/2025, Tòa án hai cấp TP. Hồ Chí Minh xử lý 23.255 vụ án liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Trong đó, có 8.554 vụ bị đình chỉ, 5.323 vụ công nhận thỏa thuận và chỉ có 9.378 vụ được xét xử. Theo bà Dung, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc một số TCTD chưa nắm rõ quy định tố tụng, dẫn đến việc nộp chứng cứ không đầy đủ. Có những hồ sơ khởi kiện lên đến hàng trăm bút lục. Ngoài ra, khi vụ án phát sinh tranh chấp phức tạp, đòi hỏi Tòa án phải xem xét thêm nhiều tình tiết như quyền sử dụng đất, tài sản thừa kế hay tính hợp lệ của tài sản thế chấp, việc kéo dài thời gian giải quyết là điều khó tránh khỏi.
Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tham luận tại hội thảo
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung kiến nghị sửa quy định về chương tống đạt trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Bởi, các quy định từ Điều 170 đến Điều 180 trong chương thủ tục tống đạt, niêm yết, đăng báo không còn phù hợp với các khu đô thị, việc sát nhập địa giới hành chính hiện tại… Hơn nữa khái niệm tống đạt gây rất nhiều khó khăn trong công tác giải quyết vụ án nói chung và liên quan hợp đồng tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm nói riêng. “Chúng tôi kiến nghị bỏ khái niệm về tống đạt trong thủ tục tố tụng tại Tòa án mà thay bằng Thông báo đến các đương sự như Luật Tố tụng Trọng tài thương mại 2010 hiện nay”, bà Nguyễn Thị Thùy Dung kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc, bà Nguyễn Thị Thùy Dung kiến nghị nâng cao chất lượng xét xử của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký. Cần nhanh chóng được đầu tư theo hướng hiện đại, phù hợp với thực tiễn để tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên ngành Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao vị thế ngành Tòa án, xứng đáng là cơ quan trung tâm theo tinh thần cải cách tư pháp. Đối với các TCTD, cần nâng cao năng lực, hiểu biết về quy định pháp luật của cán bộ thiết lập cho vay, tài sản bảo đảm cũng như cán bộ pháp chế khi tham gia tố tụng tại Tòa án...
Bà Phạm Thị Nhị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Tài sản Techcombank (Techcombank AMC) nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng. Theo bà, trong bối cảnh số hóa, dữ liệu điện tử đã trở thành nguồn chứng cứ quan trọng trong các vụ án dân sự. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành vẫn chưa có định nghĩa chính thức cũng như quy trình cụ thể về việc thu thập, đánh giá và sử dụng loại chứng cứ này.
Việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng không chỉ gây khó khăn cho tổ chức tín dụng trong việc nộp chứng cứ, mà còn khiến Tòa án lúng túng khi xử lý các vụ việc liên quan đến giao dịch điện tử.
Từ thực tiễn này, bà Nhị đề xuất cần sớm ban hành khái niệm cụ thể về chứng cứ điện tử, quy định điều kiện công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, đồng thời xây dựng các quy định rõ ràng về cách thức giao nộp, tiếp nhận và đánh giá chứng cứ điện tử trong quá trình tố tụng.
Bên cạnh đó, bà cũng kiến nghị thiết lập một bộ nguyên tắc thu thập chứng cứ điện tử áp dụng chung cho các lĩnh vực dân sự, hình sự và hành chính. Bộ nguyên tắc này cần quy định rõ trình tự thu thập, biện pháp kỹ thuật, phương tiện sử dụng, đồng thời đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu chứng minh trong tố tụng và việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức.
Trong trường hợp có tranh chấp phức tạp hoặc thu thập chứng cứ xuyên biên giới, pháp luật cũng nên ghi nhận quyền đương sự được sử dụng dịch vụ từ các cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trong thu thập, phục hồi chứng cứ điện tử cũng là một hướng đi phù hợp với xu thế, giúp giảm gánh nặng chứng minh cho các bên và tạo điều kiện thuận lợi trong việc đánh giá chứng cứ tại Tòa.
Quang cảnh hội thảo
Các đại biểu tham gia hội thảo cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho thẩm phán và cán bộ ngành Tòa án, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh cải cách tư pháp. Việc tiếp cận và giải quyết các tranh chấp tín dụng cần sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật ngân hàng, tài chính và công nghệ thông tin.
Đối với các TCTD, cần nâng cao năng lực cán bộ trong khâu thẩm định, thiết lập hồ sơ vay vốn và TSBĐ, đồng thời ban hành các quy định nội bộ rõ ràng về trách nhiệm khi xảy ra sai sót trong thẩm định tài sản. Việc xác định rõ trách nhiệm liên đới giữa cán bộ và tổ chức sẽ giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý khi xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan như Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân… sẽ giúp Tòa án có thể khai thác dữ liệu hành chính, thông tin cư trú, tình trạng pháp lý tài sản, thông tin doanh nghiệp, từ đó rút ngắn thời gian xác minh, thu thập chứng cứ. Đây được xem là một giải pháp thiết thực để giải quyết các vụ việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho rằng, các TCTD cần nghiên cứu kỹ những quy định của pháp luật để điều chỉnh, hoàn thiện hơn nữa quy trình công tác tín dụng, hồ sơ tín dụng, công tác thẩm định tài sản... Vấn đề liên quan lớn nhất hiện nay là xử lý TSBĐ khoản vay, các thẩm phán đã chỉ ra các trường hợp cụ thể còn bất cập. Do đó, Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD cần rà soát tổng thể về thủ tục hồ sơ, tài sản thế chấp... để nếu có xảy ra tranh chấp thì tòa có cơ sở xử lý vụ án nhanh hơn, thuận lợi hơn...
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí rằng việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Tòa án điện tử, tăng cường kết nối liên thông dữ liệu giữa Tòa án và các bộ ngành để khai thác các nền tảng số như VNeID, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp... là giải pháp đột phá để rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đánh giá nội dung hội thảo rất có ý nghĩa và bổ ích cho TAND tối cao nói riêng và ngành TAND nói chung và cho cả ngành Ngân hàng. Tại hội thảo, rất nhiều nội dung được đề cập, trong đó một số vấn đề nổi bật là: hợp đồng tín dụng, trong đó được quan tâm nhất là các khoản vay có tài sản bảo đảm và các giao dịch bảo đảm; lãi suất; người thứ ba ngay tình; xử lý tài sản bảo đảm; thu thập tài liệu chứng cứ để giải quyết một cái vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng tại tòa án làm sao cho chất lượng hiệu quả.
Phó Chánh TAND tối cao đánh giá các ý kiến tham gia phát biểu đều rất trách nhiệm, rất tâm huyết, có tính chuyên môn cao và thực tiễn, phản ánh về những khó khăn vướng mắc bất cập từ thực tiễn giải quyết tranh chấp các hợp đồng tín dụng.
Qua ý các ý kiến của đại biểu, Phó Chánh án TAND tối cao cũng cho biết, sẽ tiến hành rà soát các quy định pháp luật liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Trong quá trình đó, TAND tối cao rất mong có được sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ với NHNN Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để cùng nhau trao đổi hướng dẫn, từ đó các áp dụng thống nhất các quy định pháp luật và giải quyết các vụ việc hiệu quả.
“Chúng tôi xác định rằng, giải quyết các vụ án vụ việc nói chung và đặc biệt là giải quyết các án kinh doanh thương mại và đối với loại tranh chấp hợp đồng tín dụng phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời, minh bạch, công tâm, chất lượng và đúng pháp luật. Đây là yêu cầu của TAND tối cao đối với toàn ngành”, ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.
Công Thái