Xin gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không triển khai
Đó là thực tế được đại biểu Đỗ Ngọc Duy thẳng thắn nêu rõ tại phiên chất vấn. Theo đại biểu Duy, nhiều dự án điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; trong đó có nội dung liên quan tới “lùi” thời gian thực hiện dự án. Có dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương tới 8 lần như Dự án dây chuyền 1, Nhà máy xi măng Công Thanh. Điều này cho thấy, chủ đầu tư xin gia hạn và cam kết nhưng không thực hiện đúng cam kết. Đại biểu Duy đề nghị làm rõ nguyên nhân và hướng khắc phục tình trạng này.
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa cho biết, việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan tới quy mô dự án, tổng mức đầu tư hay thời gian thực hiện, thay đổi chủ đầu tư đã được pháp luật quy định rõ ràng. Vì vậy, khi nhà đầu tư đề xuất nhu cầu điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật thì cơ quan Quản lý Nhà nước sẽ thực hiện. Với các trường hợp cố tình kéo dài thời gian triển khai dự án thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét. Cũng có dự án trong quá trình thực hiện gặp khó khăn trong công tác GPMB nên chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh giảm diện tích, quy mô đầu tư.
Tham gia giải trình rõ thêm việc Dự án dây chuyền 1 Nhà máy Xi măng Công Thanh gia hạn nhiều lần, Trưởng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN Nguyễn Tiến Hiệu cho biết, Dự án được gia hạn lần đầu vào năm 2008, lần thứ 8 vào năm 2021. Ở lần gia hạn cuối cùng có nguyên nhân do phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ yêu cầu các công trình vật liệu xây dựng có công suất thấp, trang thiết bị chưa phù hợp thì phải khẩn trương đầu tư theo định hướng. Tuy nhiên, do điều chỉnh dự án vào năm 2021 khi dịch bệnh Covid - 19 xảy ra, nhà đầu tư khó khăn về tài chính nên không triển khai được như dự định.
Cùng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Túy, tổ đại biểu huyện Như Xuân đặt câu hỏi: 3 dự án xử lý nhà máy rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bao gồm: Dự án bãi rác xã Đông Nam (Đông Sơn); Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); Dự án tại phường Quảng Minh (thành phố Sầm Sơn) đều chậm tiến độ. Trong đó, nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn triển khai từ năm 2004 chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Đến nay, sau nhiều lần “đổi chủ”, dự án khởi động lại trong năm nay với “lời hứa” sẽ đi vào hoạt động năm 2025, liệu “cam kết” này có thể thực hiện được không? Nguyên nhân thực sự của việc chậm trễ kéo dài và giải pháp khả thi nào để sớm hoàn thành các nhà máy, đưa vào khai thác sử dụng?
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa trả lời chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa cho biết: thực tế, cả 3 dự án này đều chậm tiến độ. UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, giao các ngành liên quan kiểm tra đôn đốc. Hiện nay, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn đã đầu tư xong nhưng chưa đủ điều kiện vận hành. Trong quá trình triển khai, các dự án trong nhóm này chậm tiến độ do cần phải hoàn chỉnh nhiều loại hồ sơ theo yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương.
Truy vấn đến cùng về tính khả thi khi tạo điều kiện cho các dự án được điều chỉnh, gia hạn nhiều lần, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam đặt câu hỏi: “Như Giám đốc Sở đã trả lời, việc đồng ý điều chỉnh, gia hạn dự án được thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Nhiều dự án đã được điều chỉnh chủ trương, gia hạn nhiều lần và liên tục. Vậy nhưng, Sở Kế hoạch và Đầu tư có bảo đảm được việc nhà đầu tư sẽ “nhiệt tình” thực hiện dự án như “yêu cầu” gia hạn không?".
Trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa cho biết: Việc gia hạn thời gian thực hiện dự án được đơn vị thực hiện căn cứ vào các quy định pháp luật và chỉ thực hiện trong trường hợp do các nguyên nhân khách quan. Từ năm 2021 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiểm tra tình hình thực hiện thủ tục đầu tư đối với 111 dự án và tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực đầu tư đối với một số dự án vi phạm Luật Đầu tư.
Với dự án đã được giao đất và cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi quá trình triển khai của nhà đầu tư. Nếu dự án chậm triển khai theo quy định của Luật Đất đai 24 tháng sẽ thu hồi dự án theo quy định.
Điểm nghẽn nằm ở khâu giải phóng mặt bằng
Trong số các dự án đầu tư lớn, trọng điểm đang rà soát, có tới 11/16 dự án có nguyên nhân chậm do nguyên nhân giải phóng mặt bằng (GPMB). Các đại biểu cũng đã chất vấn, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Kế hoạch Đầu tư và các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.
Đại biểu Hoàng Anh Tuấn chất vấn. Ảnh: Minh Hiếu
Đại biểu Hoàng Anh Tuấn đặt câu hỏi: Trong 4 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới dự án chậm tiến độ đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nguyên nhân GPMB là yếu tố chính yếu. Đặc biệt, khó khăn về xác định nguồn gốc đất, xây dựng khu tái định cư chậm là những nguyên nhân lặp lại ở nhiều dự án. Vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư định hướng các giải pháp khả thi nào để GPMB không còn là điểm nghẽn quá lớn trong thực hiện dự án?
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa, công tác GPMB thuộc về trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố. Ở nhiều dự án, các địa phương không thực triệt để, “chỗ dễ làm trước, khó để lại sau” nên có dự án 10 năm chưa hoàn thành GPMB và chậm tiến độ kéo dài. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải tổ chức GPMB gọn, triệt để, không để nhà đầu tư “viện cớ” kéo dài thời gian hoàn thành dự án vì chưa hoàn thành GPMB.
Giải trình thêm về nguyên nhân chậm tiến độ đối với một số dự án trọng điểm, lãnh đạo các huyện, thị xã cũng đã cung cấp, làm rõ thêm các thông tin. Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn nêu khó khăn đối với GPMB dây chuyền 3,4 nhà máy xi măng Long Sơn. Theo đó, dự án còn tồn tại 2,6ha chưa GPMB, thuộc phần đất của Nông trường Hà Trung (cũ) giao khoán lại cho các hộ dân và đang gặp khó khăn trong thỏa thuận bồi thường. Cùng với đó, phần đất này nằm trong kế hoạch triển khai giai đoạn 3 của dự án, có thời hạn tới năm 2026 nên chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ để thực hiện. Thị xã phấn đấu trong quý II năm 2025 sẽ hoàn thành GPMB diện tích này để nhà đầu tư kịp thời triển khai dự án đúng tiến độ.
Các đại biểu cũng chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, đơn vị liên quan. Đại biểu Đinh Ngọc Thúy nêu câu hỏi: 1 trong 3 nguyên nhân chủ quan dẫn tới dự án chậm tiến độ là 1 số cơ quan, đơn vị làm đầu mối theo dõi chưa thường xuyên đôn đốc. Chính Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh giao cho 6 đơn vị làm đầu mối, đó là những đơn vị cơ quan nào. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh biết tình trạng này để có giải pháp khắc phục sự yếu kém này chưa?
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Minh Hiếu
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ từng nhóm dự án đã được đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh giao cho các đơn vị đầu mối theo dõi như: Ban Quản lý KKTNS và các KCN theo dõi 9 dự án; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi 3 dự án; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi 2 dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi 1 dự án. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa phát huy cao độ tinh thần phối hợp, theo dõi tiến độ cũng như báo cáo, tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Cùng với đó, các đại biểu cũng nhận định, qua theo dõi, một số nhà đầu tư chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành, đơn vị liên quan trong công tác GPMB và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; chưa bố trí được nguồn vốn để tập trung triển khai thực hiện dự án. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa cho biết: Thời gian tới, với nhóm dự án này, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư ký cam kết GPMB với các địa phương. Nếu nhà đầu tư vi phạm cam kết, không bố trí nguồn lực để triển khai dự án, Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh thực hiện quy trình thu hồi dự án.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng về dự án đầu tư trực tiếp chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. Mặc dù có nhiều nguyên nhân, nhiều phần việc liên quan đến các ngành, địa phương bởi quá trình đầu tư 1 dự án bao gồm nhiều khâu triển khai, từ chấp thuận chủ trương, giải phóng mặt bằng, quản lý nhà nước về đất đai...Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm với vai trò là cơ quan đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh nhiều thủ tục liên quan. Với trách nhiệm của đơn vị, thời gian tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp hiệu quả, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư các dự án trực tiếp thời gian lớn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên kết luận chất vấn về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Ảnh: Minh Hiếu
Kết luận nội dung chất vấn về lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định, thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án, đưa vào vận hành khai thác là chiến lược lớn, nhất quán của tỉnh. Thực tế cho thấy, nhờ quyết liệt triển khai xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp lớn, trọng điểm quốc gia. Các dự án khi hoàn thành đi vào hoạt động đã tạo đột phá cho tăng trưởng ngân sách, tạo động lực bền vững cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững. Đối với nguyên nhân về việc các địa phương chưa quyết liệt GPMB, cần xác định rõ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND các huyện trong chỉ đạo công tác GPMB các dự án chậm tiến độ và phấn đấu đến năm 2025 về cơ bản phải có hướng để tháo gỡ.
Với nguyên nhân chậm tiến độ do nhà đầu tư chưa phối hợp tốt trong hoàn thiện thủ tục đầu tư và chuẩn bị nguồn lực GPMB, sắp tới HĐND sẽ chỉ đạo UBND tỉnh phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND, các ngành theo dõi, báo cáo cụ thể và xem xét trách nhiệm để xử lý. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng hướng thu hút các nhà đầu tư hạ tầng KCN, CCN mạnh mẽ hơn. Bởi việc hình thành mặt bằng sạch từ các KCN, CCN sẽ hạn chế được nhiều khó khăn phát sinh riêng lẻ; đồng thời thu hút dự án trực tiếp hiệu quả hơn do các nhà đầu tư hạ tầng có sẵn nguồn nhà đầu tư thứ cấp và có cách vận động đầu tư hiệu quả hơn.
Đào Cảnh