Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.V
Sáng 14-12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2024 là năm thành công của hệ thống ngân hàng. Lạm phát bình quân 11 tháng được kiểm soát ở mức 3,69%; tỷ giá cơ bản ổn định, trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh.
Ngân hàng Nhà nướctiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Trong điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng 2 lần theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu, để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản… Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã khẩn trương, kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Về một số nhiệm vụ, định hướng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa, nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Lãi suất điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát; điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch và tiệm cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tăng cường bảo mật và bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, thanh toán điện tử, nâng cao tiện ích cho khách hàng… Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ vốn cho phát triển xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng sạch. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần coi Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam là một công cụ quan trọng đảm bảo an sinh xã hội để có các biện pháp đầu tư phù hợp, hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các ngân hàng, doanh nghiệp, bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng.
Đức Anh